“Diệt sâu bọ” và những điều kiêng kỵ vào Tết Đoan Ngọ

Việt Chinh
Mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm là ngày Tết Đoan ngọ. Năm nay, ngày này rơi vào ngày 14/6 dương lịch. Hãy tìm hiểu về ngày Tết truyền thống lâu đời trong văn hóa dân gian phương Đông này nhé.

Nguồn gốc và ý nghĩa

Không chỉ riêng ở Việt Nam hay Trung Quốc mà ở Triều Tiên, Hàn Quốc cũng có Tết Đoan ngọ. Vì vậy, Tết Đoan ngọ thực chất là một phong tục lễ tết Á Đông gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.

Tết Đoan ngọ xuất phát từ điển tích trong dân gian, tuy nhiên, tùy ở mỗi nước lại được kể với những điểm khác nhau. Ở Việt Nam, người ta kể về điển tích như sau: Vào một ngày sau vụ mùa, nông dân ăn mừng vì mùa màng bội thu nhưng sâu bọ sau đó lại kéo đến nhiều, ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này thì bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông ta chỉ cho dân làng lập đàn cúng gồm bánh tro, trái cây rồi bảo người dân phải ra trước nhà vận động thể dục. Sau khi làm theo lời Đôi Truân, dân làng thấy lũ sâu bọ đều bay biến đi hết.

Ông lão còn dặn dân làng rằng sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ông đã dặn thì sẽ trị được chúng. Dân làng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi mất.

Để tưởng nhớ sự việc trên, dân chúng đặt cho ngày này là ngày 'Tết diệt sâu bọ', có người gọi là 'Tết Đoan Ngọ', vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Hàng năm, vào ngày này mọi người thường cúng lễ và “diệt sâu bọ” để mong rằng sẽ có một năm làm ăn thuận lợi, với người nông dân thì mong mùa màng bội thu.

“Diệt sâu bọ” thì làm gì?

Vải và mận là hai loại trái cây mà nhiều người dùng nhất để “diệt sâu bọ” vào sáng ngày Tết Đoan ngọ. Thường thì người ta sẽ ăn một chút các loại trái cây có vị chua vào đầu ngày (khi chưa ăn sáng) vào ngày này.

Bánh tro, rượu nếp cũng là hai món đặc trưng của ngày Tết Đoan ngọ. Ở nhiều địa phương miền Trung, thịt vịt là món ăn không thể thiếu vào ngày này.

Có những vùng mà người dân đặc biệt quan trọng ngày Tết Đoan ngọ nên truyền thống đón ngày Tết này cũng trở nên kỹ càng và phức tạp hơn đôi chút. Sáng ngủ dậy, họ không được đặt chân xuống đất ngay mà phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, tiếp đó ăn một quả trứng vịt luộc. Sau đó bước chân ra khỏi giường uống một ít rượu (hoặc ăn một bát rượu nếp) cho sâu bọ say, tiếp đó ăn trái cây cho sâu bọ chết.

Trong mùng 5 tháng 5, nhiều nơi có tục làm mâm cỗ cúng gia tiên; treo lá ngải cứu trước cửa nhà; làm túi ngũ sắc đeo cho trẻ em; lên rừng hái thuốc; khảo cây lấy quả để mong được một năm cây trái sai quả.

Những điều kiêng kỵ được truyền miệng trong ngày Tết Đoan ngọ

Tránh để tiền rơi là điều lưu ý trong ngày này vì quan niệm như thế sẽ rơi mất tài lộc, tài vận đi xuống.

Giày dép cần để gọn gàng vì nếu để lộn xộn dễ chiêu dụ tà khí do trong tiếng Hán, từ “giày dép” đồng âm với từ “tà”.

Không mua vật phẩm có hình thù kỳ quái hoặc dừng chân ở nơi âm u cũng là những lưu ý vào ngày Tết này.

Những điều này chỉ được truyền miệng trong dân gian từ xa xưa cho đến nay. Bạn không cần quá để ý và kiêng kỵ. Hãy hiểu về truyền thống dân tộc và tiếp thu những nét đẹp mang tính tích cực của Tết Đoan ngọ thôi nhé!

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết “Diệt sâu bọ” và những điều kiêng kỵ vào Tết Đoan Ngọ tại chuyên mục Sự kiện của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Sự kiện khác

Học sinh Hải Dương đua tài tri thức

Ngày 12/3, tại trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) đã diễn ra Lễ phát động Ngày hội Trạng Nguyên nhỏ tuổi lần thứ XXII, Viết chữ đẹp “Nét chữ - Nết người”, Bảng vàng ghi danh lần thứ IV và thi tại chỗ Bảng vàng ghi danh năm học 2023-2024.

Hòa nhịp cùng “Ngày hội gửi thư”

Thật nhiều trải nghiệm mới mẻ và ý nghĩa đã có trong “Ngày hội gửi thư - Hưởng ứng Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 53 năm 2024” vừa diễn ra thành công tại trường THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình, Hà Nội). Đây là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức với sự phối hợp của báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.