"Sự tế nhị khi giúp đỡ người khác" vào đề thi môn Văn lớp 10, đậm chất nhân văn, có tính giáo dục sâu sắc

Thu Trà
Đề Ngữ Văn đề cập đến "Sự tế nhị khi giúp đỡ người khác" được đánh giá vừa sức với trình độ học sinh, bám sát diễn biến tin tức xã hội nhưng vẫn đảm bảo sự phân hóa rõ ràng. Ngoài ra đề thi mang ý nghĩa nhân văn, có tính giáo dục sâu sắc.

Ngay khi hoàn thành môn thi đầu tiên của kỳ thi vào lớp 10 tại Đà Nẵng, các thí sinh đều thích thú với nội dung “thời sự” trong đề ngữ văn, đó là ý nghĩa của “sự tế nhị khi giúp đỡ người khác”.

Theo đó, phần Đọc - hiểu cho học sinh đọc một mẩu truyện ngắn mang tên "Bài học đầu tiên". Câu chuyện kể về một cậu bé nghèo trong bộ quần áo tả tơi, rách nát bước vào một cửa hàng nọ và tìm đến gian hàng đồ chơi. Cậu bé muốn mua quà Giáng sinh cho anh trai nhưng trong tay chỉ có vỏn vẹn 27 cent. Tuy nhiên thay vì đuổi cậu bé đi, ông chủ cửa hàng lại chọn cách ân cần hỏi han, tư vấn món đồ chơi cho cậu bé và chấp nhận bán chiếc máy bay mà đứa trẻ này ưa thích với số tiền ít ỏi, dù rằng giá trị thật của nó lên tới 38 đôla. 

Đề thi vào lớp 10 môn Văn tại Đà Nẵng

Câu chuyện trên cho thấy sự tế nhị của ông chủ cửa hàng cũng là ông bố của người dẫn chuyện khi thấy một cậu bé nghèo khó. Ông không để cậu bé mặc cảm với cái nghèo của mình mà vẫn niềm nở với em như mọi vị khách khác, để rồi cậu bé sung sướng vì mua được món quà bằng tất thảy số tiền mình có về cho anh.

Vì ý nghĩa nhân văn trên mà ngoài các phần đọc - hiểu, đề bài cũng yêu cầu thí sinh viết đoạn văn nghị luận hoặc một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự tế nhị khi giúp đỡ người khác.

Thí sinh Đà Nẵng khá thoải mái sau ngày thi đầu tiên - Ảnh: Đ.NHẠN

Theo nhiều thí sinh, chủ đề này mang tính thời sự cao. Bởi trong bối cảnh TP Đà Nẵng trải qua 4 đợt dịch với vô vàn khó khăn, người Đà Nẵng và cả nước đã cùng nhau đoàn kết, sẻ chia dìu nhau vượt qua khó khăn. Hơn bao giờ hết, câu chuyện về lòng yêu thương, sự tử tế, sẻ chia với nhau là điều rất thực tế và gần gũi.

Theo thí sinh Mỹ Hiền (Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu), câu nghị luận xã hội về vấn đề tế nhị trong giúp đỡ người khác khá dễ bởi ai cũng ít nhất một lần giúp đỡ người khác, được giúp đỡ hay chí ít là quan sát hành động đẹp đó diễn ra trong cuộc sống, trên mạng xã hội.

Hơn 13 ngàn thí sinh ở Đà Nẵng vừa hoàn thành môn thi Ngữ Văn – môn thi đầu tiên trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2021-2022. 

"Của cho không bằng cách cho, điều tưởng đơn giản nhưng với những người trẻ như chúng em thì ít ai hiểu được. Sự tế nhị khi giúp đỡ người khác thể hiện trong cách ứng xử có văn hóa, lịch sự, khéo léo. Nó thể hiện sự khéo léo để người được giúp cảm thấy mình được tôn trọng, không tự ái. Điều tưởng nhỏ nhưng đó sẽ làm cho xã hội tốt đẹp hơn" - Hiền chia sẻ.

Đúng là làm từ thiện, giúp đỡ người khác là điều nên làm, nhưng làm thế nào để người nhận không cảm thấy khó xử cũng là điều vô cùng quan trọng. Bởi vậy mà dân gian thường có câu "của cho không bằng cách cho" cũng ngụ ý nói đến điều này.

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bài liên quan

Bài Tuyển Sinh - Du Học khác