Theo Bộ GD&ĐT, việc bỏ cấp bằng nhằm phù hợp với thực tế giáo dục phổ cập hiện nay, khi gần 100% học sinh hoàn thành lớp 9. Việc xác nhận thay vì cấp bằng sẽ giảm gánh nặng thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí in ấn và phản ánh đúng bản chất đánh giá năng lực người học.
Bộ cũng cho biết, nhiều nước như Anh, Mỹ, Canada, Úc, Phần Lan đã không còn cấp bằng tốt nghiệp THCS. Thay vào đó, nhà trường xác nhận học sinh đã hoàn thành chương trình để xét tuyển lên bậc học cao hơn hoặc phân luồng nghề nghiệp.
Cùng với việc tinh giản thủ tục giấy tờ, Bộ GD&ĐT đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu văn bằng, chứng chỉ số, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Điều này giúp người học dễ dàng tra cứu, xác thực thông tin học tập khi chuyển cấp, chuyển trường hoặc ra nước ngoài học tập, làm việc. Việc số hóa văn bằng không chỉ đảm bảo tính minh bạch, chính xác mà còn giúp ngăn ngừa tình trạng làm giả văn bằng, chứng chỉ.
Dự thảo luật cũng đề xuất chuyển thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp THPT từ Giám đốc Sở GD&ĐT sang hiệu trưởng trường phổ thông, nhằm phân quyền rõ ràng hơn và tăng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục. Việc này phù hợp với nguyên tắc "nơi nào đào tạo, nơi đó cấp bằng", đồng thời tiệm cận thông lệ giáo dục quốc tế.
Cả hai đề xuất trên dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2026. Bộ GD&ĐT hiện đang tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi đến hết ngày 9/7/2025.
Bộ GD&ĐT thông tin thêm, việc bỏ cấp bằng tốt nghiệp THCS, chuyển cấp bằng tốt nghiệp THPT về cho trường và xây dựng hệ thống số hóa văn bằng – chứng chỉ được kỳ vọng sẽ giúp giáo dục Việt Nam hiện đại hơn, minh bạch hơn và hội nhập sâu rộng hơn với thế giới.