Chó robot này hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm trên thực tế tại Thượng Hải. Chó robot có kích thước tương đương chó thật, song có 6 chân, giúp chúng đi lại uyển chuyển và ổn định tối đa.
Nhờ được tích hợp công nghệ AI vào tính năng nhận diện giọng nói, chó robot có thể “nghe thấy” và “đáp lại” câu lệnh của người khiếm thị. Ngoài ra, nhờ công nghệ AI cùng hệ thống camera và cảm biến, chó robot có thể lập kế hoạch đường đi và điều hướng khi tham gia giao thông, trong đó có cả khả năng nhận diện tín hiệu đèn giao thông. Đây là những điều mà chó dẫn đường thông thường không làm được.
Nhu cầu sử dụng chó dẫn đường ở Trung Quốc khá cao. Thống kê cho thấy nước này hiện chỉ có hơn 400 chó dẫn đường để phục vụ khoảng 20 triệu người khiếm thị. Trong khi đó, nguồn cung chó dẫn đường thông thường hạn hẹp do những khó khăn về nhân giống và đòi hỏi quy trình huấn luyện chuyên sâu.
Giáo sư Cao Phong - người đứng đầu nhóm nghiên cứu tại trường Kỹ thuật cơ khí, Đại học Giao thông (Jiao Tong) ở Thượng Hải cho rằng việc sản xuất hàng loạt chó robot có thể bù đắp sự thiếu hụt nói trên, đem lại nhiều cơ hội hơn cho cộng đồng người khiếm thị ở Trung Quốc cũng như trên toàn thế giới.
Chó robot dẫn đường cũng đang được nghiên cứu phát triển ở nhiều nước, trong đó có Australia và Anh.
(nguồn: TTXVN)