"Con bướm đập cánh ở Brasil có thể gây ra cơn bão lớn ở Texas" - đây là câu nói của Edward Norton Lorenz, cha đẻ của thuyết "Hiệu ứng cánh bướm" cực kỳ nổi tiếng.
Trên thực tế, ít ai hiểu "Hiệu ứng cánh bướm" theo nghĩa đen, vì thực sự một cánh bướm vỗ ở đâu cũng khó mà gây ra thay đổi lớn được. Lý thuyết này thực ra được áp dụng trong ngành dự báo thời tiết - một thứ vốn nhiều nhạy cảm với thay đổi, ý chỉ rằng chỉ cần một biến số không đáng kể cũng khiến kết quả lệch hẳn đi so với dự tính ban đầu.
Dù vậy, đôi khi "Hiệu ứng cánh bướm" vẫn xảy ra ở quy mô lớn, như bức hình dưới đây là một ví dụ. Đó là ánh chiều tà tím rực, được chụp tại núi Rocky, Hoa Kỳ.
Đợt phun trào núi lửa từ bên kia thế giới
Tháng 22/6/2019, núi lửa Raikoke của Nga đột nhiên bùng nổ dữ dội. Vụ phun trào đã đẩy một lớp tro bụi núi lửa dày đặc, chứa đầy khí gas thẳng vào bầu khí quyển, đủ lớn để có thể quan sát được từ Trạm vũ trụ ISS.
Vụ phun trào không gây ra thiệt hại gì, cũng không được đánh giá là thảm họa. Nhưng hóa ra, hiệu ứng gây ra từ sự kiện này lan tỏa xa hơn tưởng tượng của bất kỳ ai.
2 tháng sau, nhiếp ảnh gia Glenn Randall từ Colorado (Mỹ) đã có một chuyến du ngoạn tại núi Rocky và thu được một hình ảnh tuyệt đẹp. Đó là cảnh hoàng hôn với bầu trời tím rực, phản chiếu xuống mặt hồ phẳng lặng. Và Randall không hề cô đơn, vì sau đó rất nhiều người tại nước Mỹ cũng ghi nhận hiện tượng ánh dương và hoàng hôn tím rực như vậy trong vài tháng qua.
2 sự kiện trên có gì liên quan? Hoàn toàn có! Theo các chuyên gia, vụ phun trào ngày 22/6 chính là thứ đã tạo ra ánh dương rực tím ở nửa bên kia thế giới.
Cụ thể vào tháng 8, các chuyên gia tại ĐH Colorado đã thả những quả khinh khí cầu thời tiết ở vĩ độ cao, với chức năng đo lường aerosol (còn gọi là sol khí) và các loại hạt khác trong tự nhiên ở độ cao khoảng 20.000m vùng Wyoming phía tây nước Mỹ. Họ nhận thấy rằng lớp aerosol ở khu vực này cao gấp 20 lần bình thường kể từ khi núi Raikoke phun trào, và chính lớp khí này đã gây tán xạ ánh Mặt trời, tạo ra cảnh tượng hoàng hôn kỳ ảo trên.
Hiện tượng này cho thấy việc một ngọn núi lửa cỡ nhỏ phun trào cũng có thể gây tác động đến nửa bên kia thế giới. Bản thân sự kiện Raikoke bùng nổ là hết sức bình thường, nhưng theo các chuyên gia, nếu một ngọn núi lửa khác lớn hơn cũng bùng nổ, sẽ có hiệu ứng nghiêm trọng xảy ra.
"Một ngọn núi lửa cỡ lớn thực sự bùng nổ sẽ gây tác động lớn đến nhân loại, và đó là những gì chúng ta chưa chuẩn bị để ứng phó" - trích lời Lars Kalnajs, chuyên gia từ Phòng thí nghiệm Khí quyển và Không gian (LASP).
Lấy ví dụ như núi lửa Tambora phun trào năm 1815. Sự kiện khi ấy đã thải ra một lượng tro bụi khổng lồ, kèm theo 60 triệu tấn (megaton) sulfur dioxide vào khí quyển, khiến cả Trái đất tối đen như mực và gây ra những hiện tượng thời tiết hết sức khó lường.
Đó là vụ phun trào lớn nhất lịch sử hiện đại, khiến nhiệt độ trên toàn thế giới giảm tới 3°C. Các năm sau đó được xem là "không có mùa hè", và nhiệt lượng giảm đi đã gây ra cái chết của 80.000 người do không đủ thực phẩm để tồn tại.
Gần nhất là vụ phun trào của núi Pinatubo tại Philippines vào năm 1991 - vụ bùng nổ lớn thứ 2 trong thế kỷ 20, thải ra 20 triệu tấn sulfur dioxide và cũng khiến nhiệt độ toàn cầu giảm 0,5 độ C trong vòng 2 năm.
Theo Kalnajs, vụ phun trào mới đây của Raikoke nhắc chúng ta biết rằng việc thu thập các dữ liệu từ núi lửa là cực kỳ quan trọng. "Khi có núi lửa phun trào, chúng ta phải thu dữ liệu thật nhanh. Chúng ta cần biết rằng liệu vụ phun trào có gây ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người khác trên thế giới hay không."
Những người được ngắm hoàng hôn tím hết sức may mắn
Theo Kalnajs, việc hoàng hôn tím rịm được như thế cần sự kết hợp hoàn hảo giữa thời điểm và điều kiện thời tiết. Chỉ tro bụi núi lửa sẽ là không đủ, vậy nên những người được ngắm hoàng hôn tím thực sự rất may mắn đấy.
Theo Trí Thức Trẻ