Chiều 21/5, tại xã Quảng Thành, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, nhóm 7 học sinh rủ nhau tắm tại đập tràn thì bất ngờ bị lũ cuốn trôi. Người dân đã kịp thời cứu được 3 người. Đến sáng 22/5, lực lượng chức năng đã tìm thấy 2 thi thể, 2 nạn nhân còn mất tích, và đang nỗ lực tìm kiếm với sự tham gia của khoảng 500 người xuyên đêm.

Trước đó, ngày 20/5, tại xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, anh Đặng Duy Doanh (31 tuổi) đã không ngần ngại lao xuống sông Hồng để cứu 4 học sinh bị đuối nước. Dù cứu được các em, nhưng anh Doanh đã không may tử vong.
Cũng trong ngày 20/5, tại bãi biển Cửa Lò, Nghệ An, một đôi nam nữ quê huyện Yên Thành ra tắm sớm thì bị cuốn vào dòng xoáy ngầm và tử vong; tại xã Tân Xã, huyện Thạch Thất, Hà Nội, hai nam sinh viên tử vong khi quay clip diễn tả tình huống đuối nước. Một người khác thoát nạn và được đưa đi cấp cứu.
Những vụ việc đau lòng trên không chỉ là hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của việc tắm sông, suối, hồ mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho cộng đồng, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên.
Theo báo cáo năm 2024, ở Việt Nam xảy ra hàng trăm vụ đuối nước. Trong đó, toàn quốc xảy ra 509 vụ tai nạn đuối nước đối với 636 trẻ em, trong đó làm chết 577 trẻ em, 59 trẻ em được lực lượng CAND kịp thời tổ chức cứu vớt. So với năm 2023, về số vụ tai nạn giảm 67 vụ (chiếm 11,6%), giảm 56 trẻ em bị chết (chiếm 9%). Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 5 - 14 tuổi.
Nguyên nhân gây ra nhiều vụ đuối nước ở Việt Nam là do môi trường tự nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ như đường bờ biển dài, hệ thống sông, suối, ao, hồ dày đặc. Bên cạnh đó, môi trường gia đình, cộng đồng còn nhiều yếu tố chưa bảo đảm an toàn như bể nước không có nắp đậy, công trình xây dựng không có rào chắn, thiếu biển báo tại các hố nước. Nhiều ao, hồ tưới tiêu trong khu dân cư không bảo đảm an toàn.
Ngoài ra, nhiều bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống đuối nước, chưa quan tâm tạo môi trường an toàn cho trẻ em. Nhiều trẻ em thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng cứu đuối, chưa biết bơi an toàn. Chính do thiếu kỹ năng nên các em không nhận biết được môi trường nước nguy hiểm vẫn xuống bơi, không biết cách cứu đuối gián tiếp mà nhảy xuống cứu đuối trực tiếp khi thấy bạn bị đuối nước và dẫn đến tử vong nhiều em cùng một lúc.
Mặc dù công tác tuyên truyền về phòng ngừa đuối nước đã được cơ quan báo chí, ngành chức năng đẩy mạnh, tình trạng đuối nước vẫn xảy ra. Trước thực tế đó, cần đặt ra những giải pháp cấp bách để ngăn ngừa tình trạng đuối nước. Ngoài giải pháp tăng cường công tác truyền thông để phòng tránh đuối nước, cần quan tâm hơn đến việc phổ cập kỹ năng bơi lội, kỹ năng thoát hiểm khi gặp vùng nước xoáy hoặc sóng dữ cho trẻ em, nhất là trẻ em ở những vùng sông nước.
Chủ động phòng chống đuối nước
1. Trang bị các kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi như: khởi động kỹ trước khi xuống nước, cách xử lý khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước,…
2. Đặt biển cảnh báo về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu, nước xoáy.
3. Đối với các bể bơi, chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ đồng thời tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. Khi cho trẻ đi bơi cần phải luôn bên cạnh, trông chừng và theo dõi trẻ.

4. Khi đi tắm biển hay sông, người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển, chỉ nên bơi trong khu vực an toàn được chỉ định.
5. Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao.
6. Khi phát hiện người đuối nước cần bình tĩnh xử lý, hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân đồng thời gọi điện báo ngay cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ - Công an thành phố Hà Nội theo số máy 114.
7. Khi đưa nạn nhân bị đuối nước lên bờ cần bình tĩnh đánh giá tình trạng của nạn nhân. Trường hợp nạn nhân bất tỉnh, có ngừng tim, ngừng thở, cần áp dụng ngay các biện pháp cấp cứu ngừng tuần hoàn, kiên trì đến khi nạn nhân có nhịp tim trở lại thì nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong trường hợp nạn nhân khi được đưa lên bờ vẫn tỉnh táo, tự thở được, cần lau khô, ủ ấm, đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.