“Nghìn việc tốt” cho thiếu nhi hôm nay

Trường Phạm - Khánh Linh
Ngày 23/3/2023, tại Trung tâm Văn hoá Kinh Bắc (TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức chương trình tọa đàm Phát huy giá trị phong trào “Nghìn việc tốt” trong giai đoạn hiện nay với chủ đề “Măng non làm việc tốt - Đất nước mãi nở hoa”. 
Chủ trì buổi tọa đàm có chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư; Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn; AHLĐ - NGND Nguyễn Đức Thìn, người khởi xướng phong trào “Nghìn việc tốt”; anh Lê Hải Long, Trưởng ban Công tác Thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội T.Ư.

 

Toạ đàm là diễn đàn để các thế hệ cán bộ Đội, các nhà quản lý, các nhà khoa học, các thầy cô giáo, đội viên, thanh thiếu nhi nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ về phong trào “Nghìn việc tốt” qua hành trình 60 năm hình thành, phát triển và những thành tựu, đóng góp của phong trào đối với tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội TNTP Hồ Chí Minh và các thế hệ thiếu nhi Việt Nam. 
 
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, cách đây 60 năm ngày 24/3/1963, phong trào “Làm nghìn việc tốt thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ” đã được thầy giáo Nguyễn Đức Thìn - Tổng phụ trách Đội trường cấp 2 Liên Sơn (nay là trường THCS Tam Sơn) phát động. Ngay sau đó, “Nghìn việc tốt” nhanh chóng lan rộng trở thành phong trào lớn trên toàn quốc. Ngoài ra, nhiều quốc gia Đông Âu đến tham quan, tìm hiểu về phong trào.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn phát biểu tại toạ đàm
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn phát biểu tại toạ đàm

 

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, 60 năm qua, phong trào vẫn giữ nguyên giá trị đối với công tác Đội nói chung và các em đội viên, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc nói riêng. Từ phong trào, xuất hiện thêm nhiều tấm gương sáng trong học tập, lao động, công tác và cống hiến góp phần tô đậm thêm truyền thống vẻ vang của quê hương, đất nước.
 
Các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ Đội, đội viên chia sẻ, tọa đàm 3 nhóm vấn đề: Lịch sử hình thành, phát triển của phong trào “Nghìn việc tốt”; thực tiễn và những kết quả đạt được trong tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động phong trào “Nghìn việc tốt”; bài học kinh nghiệm và một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phong trào trong bối cảnh mới.
 
Phong trào “Nghìn việc tốt” đươc gìn giữ qua nhiều thế hệ đội viên
 
Tọa đàm “Phát huy giá trị phong trào“Nghìn việc tốt” trong giai đoạn hiện nay” là cơ hội để những thế hệ đội viên nhìn lại sự phát triển của phong trào trong 60 năm qua. 
 
Chia sẻ tại chương trình, GT.TSKH Nguyễn Toàn Thắng, một trong những đội viên đầu tiên tham gia phong trào bồi hồi nhớ lại: “Thế hệ chúng tôi được may mắn chứng kiến và tham gia phong trào Nghìn việc tốt từ những ngày đầu tiên. Ngày chủ nhật đẹp trời 24/3/1963 mãi mãi là một trong những kỷ niệm đẹp nhất của tuổi thơ chúng tôi - một tuổi thơ sôi nổi, hồn nhiên với những hoạt động Nghìn việc tốt”.

 

GS.TSKH Nguyễn Toàn Thắng cho biết thêm, ngày ấy “Nghìn việc tốt” là một là một phong trào thiết thực, bổ ích và hấp dẫn giúp đội viên học tập tốt hơn, rèn luyện tốt hơn, ngoan ngoãn hơn, yêu và chăm lao động hơn, quan tâm đến người khác hơn. Việc làm Nghìn việc tốt vô tư, tự giác và hồn nhiên như được tham gia một trò chơi lớn mà trong đó ai tham gia cũng là người thắng cuộc, bởi làm nghìn việc tốt thực là đơn giản với những công việc thường nhật như: đi học đúng giờ, làm hết bài tập về nhà, thi đua giữ gìn vở sạch đẹp, tích cực phát biểu trên lớp, nhiệt tình giúp đỡ bạn bè, thi đua chăm cho trâu sạch và béo, tích cực diệt ruồi,…
 
Sự phát triển của phong trào “Nghìn việc tốt” có sự góp sức không nhỏ của báo chí, khi lan tỏa và cổ vũ phong trào. Nhà báo Nguyễn Phan Khuê, Uỷ viên Hội đồng Đội T.Ư, Tổng Biên tập báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng chia sẻ một câu chuyện nhỏ về công tác truyên truyền cho phong trào: “Ngày 24/3/1963, khởi xướng phong trào “Nghìn việc tốt”, trong ngày đặc biệt ấy, cố nhà báo Cửu Thọ, phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong (nay là báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng) khi đó đã có mặt kịp thời để đưa tin về buổi Lễ phát động và đăng trên số báo ra ngày 29/3/1963. Chỉ trong 2 tháng, từ tháng 4 đến tháng 5 năm 1963, Phong trào “Nghìn việc tốt” đã lan rộng đến 26 tỉnh, thành phố trên toàn miền Bắc”.
Tổng Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng Nguyễn Phan Khuê chia sẻ tại Toạ đàm
Trong suốt 60 năm phát triển của phong trào “Nghìn việc tốt”, báo chí Việt Nam nói chung và báo Đội nói riêng đã liên tục đưa tin về những gương sáng làm nhiều việc tốt. Từ đó cổ vũ và khích lệ thiếu nhi, đội viên làm nhiều việc tốt hơn nữa, đóng góp cho quê hương, đất nước.
AHLĐ - NGND Nguyễn Đức Thìn, người khơi xướng phong trào Nghìn việc tốt
AHLĐ - NGND Nguyễn Đức Thìn, người khơi xướng phong trào Nghìn việc tốt

 

Tại tọa đàm, AHLĐ, NGND Nguyễn Đức Thìn đã chia sẻ về quá trình phát triển của phong trào, những thành công đã đạt được. Bên cạnh đó, thầy Thìn cũng dành lời cám ơn đến T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư và báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng đã giúp “Nghìn việc tốt” được lan tỏa rộng rãi đến nhiều thế hệ đội viên trên cả nước.
 
Phát triển văn hóa đọc gắn với “Nghìn việc tốt”
 
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, các vị đại biểu và các anh chị phụ trách đã có những chia sẻ về cách làm hay, mới lạ gắn hoạt động đọc, nghe, nhìn với phong trào “Nghìn việc tốt” trong thời gian qua.
 
Chị Trịnh Thị Hiền Trân, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TP. Hồ Chí Minh cho biết, bước vào thời kỳ mới, để phong trào “Nghìn việc tốt” được các bạn thiếu nhi, đội viên biết đến nhiều hơn. Trong thời gian qua, Hội đồng Đội thành phố đã phối hợp với các đơn vị xuất bản, hãng phim tăng cường tổ chức các hoạt động, xây dựng các tuyến bài, phát hành tài liệu phim ảnh, sách báo tuyên truyền và phản ánh các hoạt động, hình ảnh, tuyến bài viết gắn với công tác giáo dục trẻ em, đặc biệt là công tác phát hiện, giới thiệu, tuyên dương và nhân rộng các tấm gương điển hình phong trào “Nói lời hay, làm việc tốt”, gương sáng đội viên, gương Cháu ngoan Bác Hồ,…

 

Anh Lê Khắc Nguyên Anh, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TP. Hải Phòng cho hay, hiện thiếu nhi “thành phố Hoa phượng đỏ” đã triển khai phát triển văn hóa đọc gắn liền với “Nghìn việc tốt” thông qua các hoạt động: “Đọc sách đầu giờ”; “15 phút đọc sách mỗi ngày”, “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”. Tổ chức chương trình “Chuyến xe yêu thương” vào cuối tuần chở đồ dùng, sách truyện về các huyện, thôn, xã tặng các em học sinh; xây dựng và duy trì hoạt động nhiều tủ sách di động tại các khu dân cư, tổ dân phố,…
 
Thiếu nhi hôm nay làm “Nghìn việc tốt”
 
Tọa đàm Tọa đàm “Phát huy giá trị phong trào“Nghìn việc tốt” trong giai đoạn hiện nay” cũng tạo cơ hội để các bạn đội viên, thiếu nhi tiêu biểu nói về những việc tốt đã thực hiện để hưởng ứng phong trào. 
 
Ấn tượng với các chương trình thiết thực được triển khai tại địa phương, Bạn Võ Lê Thục Anh - Phó Chủ tịch Hội đồng trẻ em quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng chia sẻ: “Trong những năm qua, em đã nhiều lần tham gia và rất yêu thích các hoạt động Đội trên địa bàn thành phố hướng đến những người bạn cùng trang lứa có hoàn cảnh khó khăn. Em cùng rất nhiều các bạn thiếu nhi thành phố đã đập chú heo đất để dành từ tiền tiêu vặt, từ những giải thưởng mình đạt được, nhờ bố mẹ chở đi mua những món quà là đồ dùng học tập, vở và sách thiếu nhi để tham gia Chương trình “Chia sẻ yêu thương - Nâng bước đến trường” do Hội đồng Đội thành phố tổ chức mỗi dịp tháng 6 hàng năm, viết những tấm thiệp nho nhỏ gửi kèm các món quà, theo dõi chúng được đưa đến tay những người bạn của em và giúp các bạn ấy có một ngày thật hạnh phúc”.
Bạn Võ Lê Thục Anh trình bày tham luận tại Toạ đàm
Bạn Võ Lê Thục Anh trình bày tham luận tại Toạ đàm

 

Còn với Nguyễn Võ Ngọc Giàu (học sinh lớp 9/14 trường THCS Hà Huy Tập, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh), nguyên Chủ tịch Hội đồng Trẻ em Thành phố, cô bạn nhớ nhất trong đợt cao điểm dịch Covid-19 thành phố thực hiện giãn cách toàn xã hội, trước tình hình khó khăn về lương thực và thực phẩm Ngọc Giàu đã trích tiền tiết kiệm và hô hào các mạnh thường quân để hỗ trợ 1 tấn rau, 1.000 bình nước 20 lít, 1.000 trứng cho người dân. 
 
Bên cạnh đó, Ngọc Giàu phát huy năng khiếu ca hát của mình tham gia cổ vũ tinh thần cho người dân, các chiến sĩ, cán bộ. Tham gia các chương trình, dự án âm nhạc gây quỹ chăm lo cho đội viên, thiếu nhi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và lực lượng y tế nơi tuyến đầu chống dịch.
 
Tọa đàm đã nhận được 60 tham luận và lựa chọn trình bày 10 tham luận trao đổi trực tiếp. Điều đó cho thấy, các đại biểu đã dành nhiều tâm huyết, tình cảm để đóng góp những ý kiến sâu sắc, có hàm lượng khoa học cao cả về lý luận và thực tiễn để tiếp tục làm rõ và khẳng định giá trị, ý nghĩa lịch sử và thực tiễn về vị trí, vai trò của phong trào “Nghìn việc tốt” đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thiếu nhi, thực sự là phong trào thi đua yêu nước, thắp lửa nhân ái của thiếu nhi Việt Nam.
Chị Nguyễn Phạm Duy Trang phát biểu kết luận Toạ đàm
Chị Nguyễn Phạm Duy Trang phát biểu kết luận Toạ đàm

 

Phát biểu kết luận Toạ đàm, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư Nguyễn Phạm Duy Trang đánh giá các ý kiến, tham luận tại Tọa đàm đã cho thấy sức lan tỏa sâu rộng của phong trào “Nghìn việc tốt” trên mọi mặt hoạt động của thiếu niên, nhi đồng. 
 
“Từ một điển hình nhân ra nhiều nơi, từ một gương tốt nhân lên thành cả một lớp đội viên, thiếu niên, nhi đồng mang nếp sống con người mới xã hội chủ nghĩa”, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư chia sẻ.

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết “Nghìn việc tốt” cho thiếu nhi hôm nay tại chuyên mục Sự kiện của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Sự kiện khác

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội; Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ và ngày mai 26/7, từ 7 giờ đến 13 giờ.