Nữ nhân viên Bưu điện – Văn hóa xã “đa kênh”

Phương Linh
Dù chỉ mới công tác trong ngành Bưu điện hơn 2 năm nhưng chị Hồ Thị Thắm - nhân viên Bưu điện – Văn hóa xã Tự Lập, Bưu điện huyện Mê Linh, Bưu điện TP. Hà Nội đã sở hữu cho mình một hệ thống bán hàng “đa kênh” được rất nhiều đồng nghiệp khen ngợi và học hỏi kinh nghiệm.

Vượt lên chính mình….

Chị Hồ Thị Thắm chia sẻ: Thời gian đầu khi bắt đầu công việc tại Bưu điện – Văn hóa xã (BĐ-VHX) Tự Lập, chị Thắm vừa phải học nghiệp vụ vừa tìm kiếm khách hàng mới, tất cả với chị đều bắt đầu từ con số 0. Tuy nhiên, không nản lòng, nhờ có sự hỗ trợ của lãnh đạo Bưu điện huyện Mê Linh, chị Thắm đã khai thác được tệp khách hàng từng sử dụng dịch vụ bưu điện, đồng thời, tìm kiếm thêm những khách hàng mới. Bên cạnh đó, chị cũng tham gia đầy đủ các chương trình ra quân bán hàng của dịch vụ bưu chính chuyển phát, tư vấn các loại hình bảo hiểm PTI, chính sách BHXH tự nguyện,… nhằm tăng cơ hội để tiếp cận với khách hàng, học hỏi từ thực tế và tìm ra được dịch vụ tiềm năng mà chị sẽ tập trung để phát triển sau này.

Nụ cười tươi và những cử chỉ ân cần, quan tâm đến khách hàng đã trở thành “thương hiệu” của chị Hồ Thị Thắm

Cứ như vậy, đều đặn ngày nắng cũng như ngày mưa, 7h30 mỗi sáng, BĐ-VHX Tự Lập đã mở cửa sẵn sàng đón khách. “Theo quy định, 8h sáng, BĐ-VHX mở cửa phục vụ khách hàng nhưng các bác, các cô ở đây đi làm đồng sớm lắm nên mình chủ động mở sớm hơn để mọi người có tranh thủ ra gửi hàng hay mua đồ tiêu dùng dễ dàng hơn” - Chị Thắm chia sẻ.

Cũng như những nhân viên BĐ-VHX khác trên toàn mạng lưới, công việc quen thuộc hàng ngày của chị Thắm là nhận hàng bưu chính chuyển phát, thu gom – chuyển phát hàng trực tiếp đến nhà khách hàng có nhu cầu, tư vấn các sản phẩm liên quan đến dịch vụ tài chính bưu chính, tư vấn bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, bán hàng tiêu dùng, thu tiền điện theo lịch,… Bằng sự tận tâm, chu đáo, chị Thắm luôn được người dân trong khu vực tin tưởng, khách hàng ghé thăm và sử dụng dịch vụ tại BĐ-VHX Tự Lập ngày càng đông hơn, có những tháng chị Thắm đạt trên 10 triệu doanh thu từ việc thu Bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, việc chị Thắm linh hoạt trong cách giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của bưu điện cũng giúp cho khách hàng biết đến chị nhiều hơn. Chị kể lại có lúc chị phải “loay hoay” trong việc tìm khách hàng mới bởi khách hàng hầu như không biết đến mình vì không phải người ở địa phương. Thật may, “trong cái khó, ló cái khôn”, chị vận dụng các kênh mạng xã hội để giới thiệu về bản thân, công việc cũng như những dịch vụ của Bưu điện. Sau một thời gian, đã có những khách hàng ở các xã bên liên hệ nhờ tư vấn bảo hiểm y tế, “cô Thắm bưu điện” đã trở thành một cái tên quen thuộc, được mọi người nhắc đến thường xuyên, đó là hạnh phúc lớn nhất của chị.

Kết hợp đa dịch vụ và đa kênh

Nhận thấy mạng xã hội chính là một kênh marketing hiệu quả, chị Thắm đã quyết tâm học hỏi và “đầu tư” đưa nội dung giới thiệu dịch vụ của Bưu điện lên trên các kênh số để đến gần hơn với những người dân tại địa bàn. Chị xác định rõ mục tiêu: “Đối với tư vấn 1:1 thì mỗi lần chỉ tư vấn được một khách hàng hoặc nhóm nhỏ khách hàng. Nhưng với mạng xã hội chỉ cần 1 bài viết, 1 video, 1 hình ảnh có thể tiếp cận được với lượng khách hàng lớn hơn rất nhiều.

Giao diện nền tảng chị Thắm đã xây dựng và thiết kế được khách hàng đánh giá dễ sử dụng, thuận lợi

Truyền thông trên mạng xã hội là bước đầu tiên giúp khách hàng nhận biết được mình dễ dàng nhất và nhanh nhất. Đối với những người chưa từng đến bưu điện, cũng có thể biết được đầy đủ các dịch vụ bưu điện. Đối với khách hàng đã trải nghiệm dịch vụ bưu điện thì cần giới thiệu thêm các dịch vụ khác bưu điện. Người dân ở nông thôn bây giờ dùng mạng xã hội nhiều lắm nên mình thấy nó giúp mình tiếp cận khách hàng vô cùng hiệu quả”.

Hiện nay, chị Thắm đã có trong tay 01 Fanpage Facebook với lượt tiếp cận lên đến 10.000 người; 01 kênh tiktok có gần 15.000 lượt thích và gần 3000 lượt theo dõi; 4 nhóm zalo với 200 thành viên ở mỗi nhóm. Những nội dung chị xây dựng trên các kênh số này đã giúp chị rất nhiều trong việc tư vấn dịch vụ cho khách hàng. Khi được hỏi về một câu chuyện khiến cho chị Thắm quyết tâm phát triển bán hàng trên các kênh số, chị Thắm cười và chia sẻ: “Thật ra cái này dễ làm lắm, mình tự học trên Google và nhờ sự trợ giúp của bạn bè để tạo kênh thôi, mới đầu cũng không có hy vọng gì nhiều nhưng một lần có khách hỏi về chính sách BHXH tự nguyện, lúc đấy mình đang bận đóng hàng bưu chính chuyển phát, khi đọc được tin nhắn thì đã thấy khách hàng đó nhắn lại là em xem nội dung em cần tìm hiểu trên website của chị rồi, mai em ra đăng ký nhé. Sau lần đấy mình càng tin tưởng mình đã chọn đúng hướng đi”.

“Mình hay lồng ghép hình ảnh của mình vào những nội dung tư vấn sản phẩm dịch vụ để cho khách hàng thêm phần tin tưởng và cứ như vậy mọi người chia sẻ thông tin cho nhau và biết đến mình nhiều hơn” - chị Thắm nói

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, với sức trẻ, sự sáng tạo và khả năng linh hoạt của mình, “cô nhân viên BĐ-VHX “đa kênh” Hồ Thị Thắm” đã góp phần quan trọng đưa BĐ-VHX Tự Lập và các dịch vụ của bưu điện đến gần hơn với người dân một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Cười rất tươi, chị ấy gửi lời nhắn gửi đến tất cả mọi người rằng:  “Trong khó khăn có cơ hội, và người ở lại cuối cùng là người chiến thắng”.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Nữ nhân viên Bưu điện – Văn hóa xã “đa kênh” tại chuyên mục Tin doanh nghiệp của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Tin doanh nghiệp khác

Vượt “gió ngược”, Vinamilk khôi phục thị phần nội địa

CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) công bố tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất Quý III/2023 đạt lần lượt 15.681 tỷ đồng và 2.533 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt lần lượt 44.848 tỷ đồng và 6.669 tỷ đồng, hoàn thành 71% và 77% kế hoạch năm.