NGƯỜI CƯỠI CÁ VOI
Cô bé 11 tuổi Keisha Castle-Hughes đã biến hình ảnh lãng mạn này thành sự thật trong Whale Rider - bộ phim đoạt giải bình chọn của khán giả quốc tế tại ít nhất 3 LHP Toronto 2002, Rotterdam và Sundance 2003. Và Người cưỡi cá voi, phim đầu tay của nữ đạo diễn người New Zealand Niki Caro, không chỉ là một trong những bộ phim hay nhất trong năm, mà còn trong nhiều năm tới.
Whale Rider được Viên Phim Anh quốc liệt vào "50 bạn nên xem khi bước vào tuổi 14"
Koro - người đứng đầu một tộc người Maori sống trên bờ biển đông bắc New Zealand ôm mối thất vọng kể từ khi con trai cả của ông sinh con gái. Sau đó anh con trai, đáng ra phải kế thừa vị trí tộc trưởng, cũng bỏ đi làm họa sĩ. Cô bé vẫn được đặt tên là Paikea- cái tên dành cho con cháu trực hệ của tộc trưởng- nhưng theo luật tục, Koro vẫn không thể truyền cho cô những kỹ năng để trở thành thủ lĩnh. Ông đành tìm kiếm trong đám bé trai Maori còn lại. Sau một thời gian học lén lút học với người chú, Paikae đánh thắng đệ tử ưu tú nhất của Koro bằng môn võ gậy vốn chỉ dành riêng cho đàn ông Maori. Sau vòng đấu quyết định vẫn không tìm ra người kế vị, Koro hoàn toàn suy sụp. Đáng ra Paikea theo bố ra nước ngoài sống nhưng theo tiếng gọi từ đại dương, cô quyết ở lại. Cô mới chính là vị thủ lĩnh tương lai, với tầm nhìn mới: chỉ một vị thủ lĩnh rõ ràng dễ mệt mỏi, khi gánh nặng trách nhiệm không có ai chia xẻ.
Truyền thuyết xa xưa kể rằng, người Maori đầu tiên từ Hawaiki đến New Zealand trên lưng cá voi. Và người Maori khóc thương khi bỗng dưng cả đàn cá voi bị dạt lên bờ. Với Koro, đó là một sự trừng phạt cho những thất bại liên tiếp trong việc dẫn dắt bộ tộc. Mọi cố gắng đều không đem lại kết quả. Khi cả làng bỏ cuộc, Paikea mới có dịp ra tay. Vì cô chính là người đã gọi được cá voi lên bờ…
Hành động của Paikea có ý nghĩa lớn lao trong việc xốc lại tâm lý cộng đồng để tộc người Maori đồng lòng tiến lên trong bối cảnh xã hội văn minh. Thông điệp của Người cưỡi cá voi- dựa theo tiểu thuyết của nhà văn người Maori- Wite Ihimaera- có gì đó còn cao hơn cả tinh thần bảo vệ môi trường. Chẳng hạn: giao hòa với thiên nhiên- đó chính là nguồn gốc sức mạnh của con người.
NHỮNG ĐỨA TRẺ CỦA THIÊN ĐƯỜNG
Khi đặt tên phim là Children of Heaven có vẻ như đạo diễn kiêm biên kịch Majid Majidi đã nhấn mạnh những phẩm chất thiên thần của trẻ con. Câu chuyện khá giản dị. Một người chuyên thu nhặt đồ cũ một hôm nhặt luôn đôi giày của Zahra khi cậu em Ali đang trên đường mang chúng từ hiệu sửa giày về. Để khỏi làm rầy bố mẹ đang lâm vào cảnh túng bấn, hai chị em quyết định chia nhau đi đôi giày vải của Ali. Đi học về, Zahra phải chạy ngay về điểm hẹn đổi giày cho Ali. Ali hộc tốc chạy đến trường mà vẫn bị muộn. Hệ quả nhãn tiền: Ali trở thành một vận động viên điền kinh xuất sắc. Tuy nhiên, cậu tham gia cuộc thi chạy của học sinh toàn thành không phải vì tinh thần thể thao, mà chỉ vì trong phần thưởng giải Ba có một đôi giày. Và cậu quyết tâm về thứ ba, nếu không bị một đối thủ chơi xấu…
Children of Heaven là phim Iran đầu tiên được đề cử Oscar Phim nước ngoài hay nhất
Còn Zahra, biết đâu sẽ trở thành một… nhà thiết kế giày, từ khi cô phải đi một đôi giầy con trai vừa rộng vừa cũ và trở nên nhạy cảm với giày. Một hôm, Zahra bỗng phát hiện ra một cô bạn cùng trường đi chính đôi giày bị mất của mình. Theo đôi giày về nhà, hai chị em gặp một ông bố mù… Câu chuyện sẽ kết thúc một cách tuyệt vọng trong mắt nhìn của 2 nhân vật chính, nếu bố của 2 bạn nhỏ không sắp về với 2 đôi giày mới.
Các nhân vật trẻ em trong phim đều rất ngoan. Các nhân vật người lớn cũng… ngoan nốt - sống có đức tin và không hề ghanh tị với những gì không phải của mình. Children of Heaven ra đời 1997, thừa sức lọt qua chế độ kiểm duyệt khắt khe của chính quyền Iran thời bấy giờ. Đạo diễn Majid Majidi có biệt tài làm việc với trẻ em (như ông đã thể hiện trong phim đầu tay Baduk về một cậu bé bị bắt làm nô lệ hay Color of Paradise- chuyện về một cậu bé mù). Từng đoạt giải tại nhiều LHP quốc tế và là ứng cử viên cho Oscar 1998, đương nhiên cả nhà có thể cùng xem Children of Heaven.
(theo Tiền phong)