Hãy cùng Nghệ nhân nhân dân Lương Tấn Hằng (Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) tìm hiểu về loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống này, các bạn nhé!
Múa rồng – biểu tượng của sự tốt lành
Trong 3 loại hình múa lân – sư – rồng thì múa rồng có nhiều nét đặc biệt hơn cả. Rồng là một trong bốn loài thú linh thiêng: Long, lân, quy, phượng gắn liền với cội nguồn của dân tộc Việt qua truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ. Từ những hình tượng rồng trong dân gian, ông cha ta đã tìm tòi, phát triển và hình thành nên điệu múa rồng thường được trình diễn trong các lễ hội mùa Xuân. Nghệ nhân Lương Tấn Hằng cho biết: “Màu sắc trên thân rồng cũng thể hiện nhiều ý nghĩa khác nhau. Rồng có thân màu đỏ được quan niệm sẽ đem lại sự may mắn. Rồng có thân màu vàng và bạc mang lại tài lộc sung túc cho gia chủ. Còn rồng có thân màu xanh da trời biểu tượng cho sự hòa bình và an lạc”.
Cơ thể rồng được phân làm từng đoạn, được phủ một tấm vải lớn cùng một lớp “vảy” để trang trí. Số lẻ của các khớp xương rồng được cho là tốt lành. Vì vậy, người ta thường làm một con rồng có 9 khúc, 11 khúc, 13 khúc... Toàn bộ thân rồng thường có chiều dài từ 18 đến 30 mét.
Bí quyết múa rồng
Nếu như múa lân hoặc múa sư tử chỉ cần hai người thì múa rồng cần có số lượng người đông hơn, ít nhất 9 người, nhiều nhất là 20-30 người. Người biểu diễn ngoài biết võ thì còn cần sự kiên trì, tinh thần đoàn kết, khả năng sáng tạo và cảm thụ âm nhạc. Bí quyết của nghệ thuật múa rồng là sự đồng đều và tính tập thể cao. Những người tham gia cần phải có sức khỏe tốt và phối hợp ăn ý, nhịp nhàng với nhau trong các màn trình diễn.
Khi xây dựng các tiết mục nghệ thuật cho đoàn, chú Lương Tấn Hằng luôn khéo léo lồng ghép, truyền tải những nét đẹp trong văn hóa dân tộc. Trong đó, phải kể đến tiết mục múa rồng “Dạ Quang Long” (con Rồng cháu Tiên) được biểu diễn trong các dịp đầu Xuân năm mới. Đây là một tiết mục đặc sắc, hiện đại với chú rồng dài 18 mét, được gắn hàng loạt chiếc đèn led nhỏ li ti nhiều màu sắc. Tiết mục được trình diễn trong bóng tối để làm nổi bật lên một chú rồng phát sáng lung linh tuyệt đẹp đang uốn lượn vô cùng mềm mại và uyển chuyển.
Bước ra sân chơi quốc tế
Không chỉ dừng lại là một loại hình nghệ thuật dân gian đường phố, múa lân – sư – rồng Việt Nam nói chung và múa rồng nói riêng còn được biểu diễn rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nghệ nhân Lương Tấn Hằng chính là người tiên phong làm được điều tuyệt vời này. Bằng tình yêu nghề và mong muốn giữ gìn giá trị truyền thống, chú Lương Tấn Hằng đã lập nên đoàn nghệ thuật Lân – sư – rồng Hằng Anh Đường. Đoàn từng được mời giao lưu, biểu diễn ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản... và đặc biệt là tham gia Liên hoan Lân – sư – rồng Kun Seng Keng được tổ chức tại Malaysia. Cùng với đó, đoàn cũng đã gia nhập Hiệp hội Lân – sư – rồng quốc tế, một dấu mốc quan trọng để thầy và trò Hằng Anh Đường mang nghệ thuật dân gian nước ta bước ra sân chơi thế giới.
Tháng 4 năm 2023, Liên đoàn Lân – sư – rồng Việt Nam được thành lập. Gần như ngay lập tức, bộ môn này chính thức có mặt trong hệ thống thi đấu thể thao quần chúng quốc gia. Điều này cho thấy nghệ thuật múa Lân – sư – rồng nước ta từ trong đời sống dân gian đã bước sang một chặng đường mới, để có thể tự tin vươn mình ra “biển lớn”.
Người đưa nghệ thuật múa Lân – sư – rồng ra thế giới
Chú Lương Tấn Hằng sinh ra trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật. Thế nhưng, chú lại “bén duyên” với nghề bằng sự đam mê được nuôi dưỡng từ đoàn lân của một người chú trong xóm. Lên 10 tuổi, chú Hằng lần đầu tiên đội đầu lân và tập những bước nhảy cơ bản trong bộ môn nghệ thuật này. Năm 20 tuổi, chú lập ra đoàn nghệ thuật Lân – sư – rồng Hằng Anh Đường và dần dần phát triển thành một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.
Đến nay, đoàn đã có hơn 4.000 thành viên trên khắp cả nước. Một số học trò giỏi của nghệ nhân Lương Tấn Hằng đã xây dựng được các đoàn lân ở một số quốc gia như: Pháp, Na Uy, Mỹ, Đức… Các thành viên của Hằng Anh Đường chủ yếu là những em nhỏ lang thang, cơ nhỡ. Chính vì vậy, nơi đây không chỉ là “cái nôi” đào tạo nên những nghệ nhân có tâm với nghề, mà còn là “ngôi nhà chung” tình nghĩa, đầy ắp sự yêu thương. Chú Lương Tấn Hằng xúc động chia sẻ: “Chú mong muốn các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn hoặc không may “lầm đường lạc lối” có cơ hội để làm lại cuộc đời. Nhiều thế hệ học trò của chú thành tài, cùng với chú đưa nghệ thuật múa lân – sư – rồng Việt Nam biểu diễn trên các sân khấu quốc tế. Điều đó khiến chú cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào”.
Với những đóng góp quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển nghệ thuật múa lân – sư – rồng, chú Lương Tấn Hằng vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian (năm 2007), Nghệ nhân ưu tú (năm 2015) và mới đây là danh hiệu Nghệ nhân nhân dân (năm 2019).
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Khoa học Khám phá, số Tết năm 2024, mời các bạn độc giả mua báo đón đọc nhé!
Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Khoa học Khám phá. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |