Trước đó (ngày 16/1), Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Chi cục QLTT Hà Nội đã phát hiện, tạm giữ một lượng lớn nguyên liệu là các loại trà và sữa đặc để pha chế trà sữa không rõ nguồn gốc.
Lô hàng này được phát hiện tại kho hàng của Công ty TNHH Heekcaa Việt Nam (số 10, đường Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).
Heekcaa VietNam bị lực lượng chức năng phát hiện hơn 2.000 túi trà không chứng minh được nguồn gốc.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 2.000 túi trà có nhãn mác nước ngoài đang được cắt bao bì và đóng gói sang các bao bì bằng giấy bạc khác, dán tem mác của một số công ty sản xuất chế biến chè uy tín của Việt Nam, cùng với hơn 100 hộp sữa đặc loại 5 kg nhãn hiệu nước ngoài. Chủ công ty này không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số nguyên liệu trên.
Ngoài ra, lực lượng chức năng còn tạm giữ số lượng lớn các bao bì bằng giấy bạc loại chưa có nhãn mác, một số loại nhãn in, con dấu để dập hạn sử dụng và một số máy móc để đóng gói sản phẩm.
Sau sự việc, nhiều tín đồ trà sữa rất hoang mang. Đặc biệt, trà sữa Heekcaa dù chỉ mới xuất hiện tại Hà Nội nhưng nhanh chóng chiếm được thị phần trong mảng trà sữa tại Thủ đô.
Tuy nhiên, sau vụ việc lô nguyên liệu của Heekcaa Việt Nam bị phát hiện, thu giữ, người dân mới phát hiện rằng tại Hà Nội hiện nay có ít nhất 3 hãng trà sữa đang dùng thương hiệu Heekcaa để kinh doanh.
Vậy, đâu mới là trà sữa Heekcaa chính hãng?
Để làm rõ, PV đã đến trực tiếp địa chỉ của công ty Heekcaa Việt Nam theo địa chỉ đăng ký tại Chi cục Thuế quận Cầu Giấy, HN tại tầng 6, số 34 phố Nguyễn Thị Định. Tuy nhiên, khi đến địa chỉ theo đăng ký thì không có công ty nào là Heekcaa Việt Nam tại địa chỉ đó. Thay vào đó là một công ty chuyên về rèm Hàn Quốc.
PV tiếp tục đến các cơ sở của Heekcaa Việt Nam trên đường Lê Đại Hành (Hà Nội) để làm rõ thông tin. Tại đây, người phụ trách cửa hàng cho biết họ không có thẩm quyền trả lời và cung cấp cho PV số điện thoại của chủ cơ sở.
Tiếp tục liên hệ với 1 công ty khác là Heekcaa by Heytea, hiện cũng đang khai thác kinh doanh chuỗi trà sữa Heekcaa tại Hà Nội.
Chị Lê Thu Thủy, chủ sở hữu Heekcaa by Heytea khẳng định: “Công ty Heekcaa Việt Nam bị bắt lô nguyên liệu không rõ nguồn gốc và chúng tôi không liên quan đến nhau, 2 đơn vị là 2 công ty độc lập.”
Giấy chứng nhận cơ sở của Heekcaa by Heytea đủ tiêu chuẩn Vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chị Thủy chia sẻ, sự việc Heekcaa Việt Nam bị phát hiện lô nguyên liệu không rõ nguồn gốc đã gây ảnh hưởng đến thương hiệu Heekcaa by Heytea nói riêng và ngành hàng trà sữa nói chung.
Trả lời về việc đâu mới là trà sữa Heekcaa chính hãng, chị Thủy cho biết, ở Đài Loan (Trung Quốc), tên Royaltea không thể đăng ký thương hiệu và có quá nhiều cửa hàng Royaltea "nhái" ra đời nên công ty đã đổi tên thành Heekcaa và năm 2016 Heekcaa được cấp văn bằng bảo hộ. Trong nước, hãng này sử dụng tên Heytea còn nhượng quyền ra thế giới sử dụng với thương hiệu Heekcaa.
Thành công khi đưa chuỗi trà sữa Royaltea về Việt Nam, chị Thủy tiếp tục thương thảo với đối tác để đưa thương hiệu Heekcaa by Heytea về nước và đã thành công.
Tháng 9/2017, thương hiệu Heekcaa by Heytea làm hồ sơ trình lên Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam để đăng ký thương hiệu và đơn vị đã tiếp nhận hồ sơ.
Heekcaa nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Heekcaa by Heytea.
“Sau sự việc công ty Heekcaa Việt Nam bị bắt lô nguyên liệu không rõ nguồn gốc hoạt động kinh doanh của công ty cũng bị ảnh hưởng. Một phần, vì người dân thấy 2 thương hiệu có trùng tên gọi là Heekcaa nhưng lại không hiểu được đây là 2 công ty riêng biệt nên chúng tôi cũng bị ảnh hưởng” – chị Thủy nói.
Chị cho biết thêm, các thủ tục nhượng quyền Heekcaa by Heytea đã làm việc với đối tác tại Đài Loan và hoàn thiện trước khi đưa về Việt Nam. Về nguyên liệu, Heekcaa by Heytea nhập khẩu từ công ty chính hãng, được các cơ quan chức năng trong nước kiểm định chất lượng, cấp giấy chứng nhận trước khi đưa vào Việt Nam và đến tay khách hàng.
Theo chị Thủy, việc công ty sở hữu thương hiệu Heekcaa bên Đài Loan có nhượng quyền, hợp tác với đối tác nào khác tại Việt Nam để khai thác thương hiệu trà sữa Heekcaa hay không chị không nắm rõ.
“Về phía Heekcaa by Heytea, chúng tôi đã hoàn thiện đầy đủ mọi thủ tục pháp lý để đưa thương hiệu này về Việt Nam” – chị khẳng định.
Ngoài Heekcaa by Heytea, còn thương hiệu trà sữa HEFKCHA cũng có tên gần giống và logo cậu bé uống trà sữa nên nhiều người hiểu lầm những thương hiệu trên cùng thuộc sở hữu của 1 công ty.
Chị Đặng Ngọc Diệp - chủ sở hữu thương hiệu trà sữa HEFKCHA tại Việt Nam cho biết: “Về hãng tôi mua ở Trung Quốc, nguyên bản tên là HEFKCHA, logo hình người y như vậy, tôi sử dụng 100% nguyên liệu mà hãng cung cấp, kể cả đến bộ quần áo đồng phục của nhân viên cũng là từ hãng mang về. Ở hãng ra sao, tôi set up nguyên như vậy, tôi không thay tên đổi họ, không phải là ở hãng tên như thế này, mà mang về tôi lại đặt tên thế kia để tạo ra hiệu ứng nhầm lẫn.”
Như vậy, có thể thấy, dù hiện nay có rất nhiều thương hiệu có tên giống nhau, nhưng thực tế thì đây đều là những thương hiệu riêng biệt, của các chủ sở hữu khác nhau.
Vì thế, người dùng cũng nên tìm hiểu thật kỹ về nguồn gốc sản phẩm, các giấy phép về vệ sinh thực phẩm trước khi đưa ra quyết định sử dụng nhé.
Quốc Hội