Trong suốt bốn năm đại học, Trần Thị Ngọc Diễm, sinh viên năm cuối ngành Quan hệ quốc tế, Học viện Ngoại giao, đã tích lũy nhiều kinh nghiệm qua các công việc thực tập, tổ chức sự kiện sinh viên,... Tưởng chừng như những hoạt động này đã đủ để cô tự tin bước vào thị trường lao động. Nhưng khi bắt tay vào viết CV, Diễm lại cảm thấy bối rối.
“Liệt kê ít quá thì sợ không đủ ấn tượng, nhưng liệt kê nhiều quá thì CV lại lan man, thiếu trọng tâm,” Diễm thừa nhận.
Cảm giác này không chỉ riêng Diễm mà là nỗi băn khoăn của nhiều sinh viên năm 3, năm 4 khi đối diện với việc lựa chọn thông tin cần đưa vào hồ sơ.
Nói về thế hệ sinh viên hiện nay, bà Đàm Thu Trang, Tổng giám đốc – Nhà sáng lập Công ty TNHH TalentsAll, đánh giá cao sự năng động, tinh thần ham học hỏi và không ngại thử thách của các bạn trẻ. Tuy nhiên, bà cũng chỉ ra xu hướng liệt kê công việc, thiếu dẫn dắt về mục tiêu nghề nghiệp, thiếu minh chứng hiệu quả và đặc biệt là thiếu thông điệp cá nhân trong các bản CV và phần phỏng vấn “an toàn nhưng không nổi bật” các bạn sinh viên.
“Nhà tuyển dụng không chỉ muốn biết bạn đã làm gì mà quan trọng hơn là bạn đã học được gì từ những trải nghiệm đó và chúng liên quan gì đến công việc mà bạn đang ứng tuyển,” bà nhấn mạnh.

Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh hiện nay, việc kết nối những kinh nghiệm đã có thành câu chuyện cá nhân trở thành yếu tố quan trọng để sinh viên nổi bật giữa hàng trăm ngàn hồ sơ ứng tuyển khác. Đây cũng là nội dung trọng tâm của buổi tập huấn “Kỹ năng viết CV và phỏng vấn trong kỷ nguyên số” do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt phối hợp với Học viện Ngoại giao tổ chức.
Dưới sự hướng dẫn của diễn giả Đàm Thu Trang cùng diễn giả Lê Na, Trưởng phòng Nhân Sự Replica Software, 128 sinh viên đã được tìm hiểu và thực hành những phương pháp cụ thể như mô hình STAR (Tình huống - Nhiệm vụ - Hành động - Kết quả) để biến những gạch đầu dòng kinh nghiệm thành những câu chuyện có sức nặng đối với nhà tuyển dụng. Ngoài ra, các bạn cũng được tìm hiểu những thông tin về xu hướng tuyển dụng như nhu cầu ngành nghề, các kênh tìm kiếm nhân sự phổ biến của các công ty, v.v.
Nguyễn Thanh Hoà, sinh viên năm 3 ngành Châu Á - Thái Bình Dương học, đã tham gia nhiều cuộc phỏng vấn cho các vị trí thực tập và bán thời gian. Thanh Hoà tự tin về kinh nghiệm thực tế của mình, nhưng thừa nhận gặp khó khăn trong việc kết nối chúng lại thành một câu chuyện hoàn chỉnh, nổi bật được những điểm sáng trong khoảng thời gian hạn chế của một buổi phỏng vấn.
“Trước đây dù đã cố gắng dự đoán và luyện tập trước những câu hỏi, em vẫn cảm thấy câu trả lời của mình còn lan man, chưa nắm được trọng tâm. Tuy nhiên với mô hình STAR được diễn giả chia sẻ ngày hôm nay, em đã học được cách kể chuyện logic, để thể hiện được những thành tích, kết quả cụ thể từ những kinh nghiệm thực tế trước đây của em”, Khánh Hoà hào hứng chia sẻ.

Không chỉ dừng lại ở những câu chuyện được kể trên CV hay buổi phỏng vấn, các diễn giả còn nhấn mạnh tầm quan trọng của thương hiệu cá nhân trên không gian mạng. Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, CV không còn là kênh duy nhất để ứng viên khẳng định bản thân. Mỗi nền tảng số giờ đây đều có thể trở thành một sân khấu để sinh viên kể lại những kinh nghiệm của mình theo cách riêng.
“Nếu CV là câu chuyện bạn kể với nhà tuyển dụng thì mạng xã hội là nơi để xác thực câu chuyện đó,” diễn giả Lê Na chia sẻ.
Bà cho biết, nhà tuyển dụng hiện nay thường tìm kiếm ứng viên trên các nền tảng như LinkedIn, Facebook, và thậm chí là TikTok, để đánh giá mức độ chuyên nghiệp của ứng viên. Vì vậy, sinh viên biết cách khai thác và tối ưu hóa những kênh này để xây dựng thương hiệu cá nhân sẽ ghi điểm đáng kể trong mắt các công ty. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để sinh viên kết nối với các chuyên gia và những người đi trước trong lĩnh vực mình theo đuổi.
“Thông qua buổi tập huấn, em không chỉ biết cách kể lại câu chuyện của mình trên bản CV truyền thống mà còn cả những bản ‘CV số’ trên mạng xã hội. Đây là lần đầu tiên em được học một cách bài bản về cách đồng bộ thông tin cũng như xây dựng các câu chuyện về dự án mình tham gia qua LinkedIn”, Phạm Vũ Quỳnh Giao, sinh viên năm 3 ngành Châu Á - Thái Bình Dương học, chia sẻ.

Buổi tập huấn “Kỹ năng viết CV và phỏng vấn trong kỷ nguyên số” là một hoạt động trong chuỗi tọa đàm FIPAD+ Forum, được triển khai bởi Sáng kiến Phát triển sinh viên (DynaGen Initiative) khoá 5. Chuỗi tọa đàm bao gồm những chủ đề học thuật như kỹ năng viết luận, phương pháp nghiên cứu,... được tổ chức nhằm mục tiêu bổ trợ, nâng cao kỹ năng học tập cho sinh viên.
Bên cạnh FIPAD+ Forum, trong khóa này, DynaGen Initiative còn đồng hành cùng Học viện Ngoại giao và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn triển khai nhiều hoạt động đa dạng khác như tập huấn kỹ năng mềm, các cuộc thi tranh biện, viết luận, cùng các chuỗi mô phỏng Hội nghị Liên Hợp Quốc, ASEAN,... dành cho sinh viên không chỉ của hai trường mà còn cho sinh viên trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội.
DynaGen Initiative là Sáng kiến phát triển sinh viên do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và Báo Giáo dục & Thời đại (Bộ Giáo dục và Đào tạo) triển khai từ năm 2019, với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Bắc Á và Tập đoàn TH. Chương trình nhằm hiện thực hóa tầm nhìn và sứ mệnh của các đơn vị là góp phần phát triển tài năng của thế hệ trẻ và hỗ trợ sinh viên lập thân, lập nghiệp. Thông tin chi tiết xem tại: website http://dynagen.vn hoặc fanpage: https://www.facebook.com/dynagen.official |