Bộ GD&ĐT chính thức đề xuất phương án thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Ngày 14/11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp của Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nhân lực thảo luận về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng; các ủy viên Hội đồng; một số chuyên gia giáo dục; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.

Phó Thủ tưởng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nhân lực

Sau khi đại diện Bộ GD&ĐT trình bày dự thảo phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, với các nội dung: Cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn; nguyên tắc cốt lõi xây dựng phương án thi; quá trình xây dựng phương án thi; những điểm mới của dự thảo phương án thi; nội dung cơ bản của dự thảo phương án thi…, các thành viên Hội đồng đã trao đổi, cho ý kiến về các phương án được đề xuất.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đưa ra 3 phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm:

Phương án 1: Lựa chọn: 2 + 2: thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 ( Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Phương án 2: Lựa chọn: 3 + 2: môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

Phương án 3: Lựa chọn: 4 + 2: 4 môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12

Tại cuộc họp này, Bộ GD&ĐT chính thức đề xuất thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Phương án 1. Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Với Phương án 1, các thí sinh sẽ chỉ còn thi 4 môn (hiện nay thi 6 môn). Theo đó, đảm bảo những yêu cầu là giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội; số buổi thi giảm 1 buổi còn 3 buổi gọn nhẹ hơn, giảm áp lực và đỡ tốn kém cho xã hội.

Phương án thi này không gây ra sự mất cân bằng giữa việc chọn khối khoa học xã hội nhiều hơn khoa học tự nhiên như hiện nay. Tạo điều kiện giúp thí sinh phát huy năng lực sở trường theo đúng mục tiêu Chương trình GDPT 2018.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, việc lựa chọn 2 trong số 9 môn học để thi, sẽ có 36 cách thức lực chọn khác nhau, tạo điều kiện để thí sinh lựa chọn môn thi phù hợp với định hướng nghề nghiệp, năng lực, sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của thí sinh. Thí sinh có thể lựa chọn tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.

Theo Bộ GD&ĐT, mục đích tổ chức thi theo phương án này nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người chọ theo mục tiêu của Chương trình GDPT 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở GDPT, cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp

Tham gia hội nghị, nhiều chuyên gia, nhà giáo dục bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất của Bộ GD&ĐT; đồng thời cho rằng Bộ cần có ngân hàng đề lớn, đủ độ tin cậy; áp dụng công nghệ thông tin vào tổ chức thi...

Về vấn đề học sinh có thể học chỉ tập trung vào các môn thi, các chuyên gia lưu ý: Để hạn chế tình trạng “học môn này bỏ môn kia”, các nhà trường cần tăng cường việc dạy học, giải quyết vấn đề từ các thầy cô, có sự cố gắng ủng hộ từ các thầy cô.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao sự chuẩn bị của Bộ GD&ĐT về dự thảo phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Phó Thủ tướng chỉ đạo: “Hôm nay các thành viên Hội đồng đã chọn phương án 2+2. Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT có đề án toàn diện, bài bản, trong đó có vấn đề rất cụ thể là chuẩn bị ngân hàng đề thi, chuẩn bị các phương án tổ chức thi…”.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý tới việc đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục khi xây dựng đề án về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Bộ GD&ĐT chính thức đề xuất phương án thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025 tại chuyên mục Tuyển Sinh - Du Học của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Tuyển Sinh - Du Học khác