Các nước trên thế giới tri ân thầy cô giáo như thế nào?

Vũ Hồng Loan
Ngày Nhà giáo là một ngày đặc biệt nhằm ghi nhận và tôn vinh những người thầy, người cô đứng trên bục giảng. Trong khi thế giới có ngày Nhà giáo chung là ngày 5/10 thì mỗi quốc gia lại có một ngày hội riêng cho thầy, cô.

Thái Lan

Ở Thái Lan, ngày nhà giáo quốc gia (Wan Kruu) được tổ chức vào 16/1 hàng năm, theo nghị quyết của chính phủ năm 1956. Đây được xem là ngày lễ ở trường học, giáo viên cùng tụ họp và nhớ về người thầy đầu tiên của mình. 

Học sinh Thái Lan quỳ gối thể hiện lòng biết ơn thầy cô.

Vào ngày này, Thủ tướng hoặc một nhà thơ nổi tiếng sẽ tạo ra một châm ngôn cho giáo viên. "Tương lai có thể tươi sáng hơn nhờ vào những giáo viên chất lượng và nhiệt tình" là câu của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha năm 2016. 

Ngoài ra, Thái Lan còn có một ngày tri ân nhà giáo (Wan Wai Kru) tổ chức vào thứ năm đầu tiên của tháng 6. Quốc gia này quan niệm thứ năm là ngày của trí tuệ và các giáo viên. Để thể hiện lòng biết ơn đối với thầy cô, học sinh Thái Lan quỳ gối, cúi đầu, dâng khay hoa với nến trong ngày này. 

Ấn Độ 

Khái niệm về ngày Nhà giáo, đã được Sarvepalli Radhakrishnan, tổng thống thứ hai của Ấn Độ, đưa ra. Vào ngày 5/9 hàng năm, các giáo viên có thể được tặng thiệp, hoa, đồ ăn handmade.

Các sự kiện thể thao cũng được tổ chức, giúp các giáo viên và học sinh có thời gian chơi đùa với nhau. Học sinh còn tổ chức diễn kịch, múa dân tộc và kể chuyện cho các giáo viên.

Nga

Nước Nga tổ chức ngày nhà giáo vào chủ nhật đầu tiên của tháng 10 từ năm 1965 đến năm 1994. Từ năm 1995, đất nước này chọn ngày 5/10, trùng với ngày nhà giáo thế giới do UNESCO lựa chọn vào năm 1994.


Theo truyền thống, một số bang sẽ tổ chức lễ kỷ niệm, vinh danh người chiến thắng cuộc thi nhà giáo của năm và trao giải cống hiến. Lễ kỷ niệm thường bao gồm nhiều hoạt động như múa, kịch, khiêu vũ, bắt chước thầy cô. Trước đó, học sinh sẽ tham gia vẽ báo tường. Nhiều người chuẩn bị hoa và các món quà nhỏ để tặng giáo viên.

Indonesia  

Tại Indonesia, ngày Nhà giáo được tổ chức vào ngày 25/11. Đây cũng là ngày thành lập Hiệp hội giáo viên Indonesia PGRI. Mặc dù đây không phải là một ngày nghỉ nhưng các trường học vẫn tổ chức lễ kỷ niệm.  

Mỹ

Khoảng năm 1944, Ryan Krug, giáo viên ở Wisconsin đề xuất với lãnh đạo chính trị và giáo dục về một ngày lễ nhằm tôn vinh nghề giáo. Nỗ lực của ông mãi đến sau này mới đem lại kết quả khi Quốc hội Mỹ tuyên bố 7/3/1980 là ngày nhà giáo quốc gia, tuy nhiên chỉ tôn vinh vào đúng năm đó. 

Đến năm 1985, khi Hiệp hội Phụ huynh - Giáo viên quốc gia thành lập tuần lễ tri ân thầy cô vào tuần đầu tiên của tháng 5, cuộc bỏ phiếu chọn ngày nhà giáo đã được thông qua với kết quả là thứ ba đầu tiên của tháng 5. 

Hiệp hội Giáo dục quốc gia (NEA) mô tả ngày này là "ngày tôn vinh những nhà giáo và công nhận những đóng góp lâu dài của họ cho cuộc sống của chúng ta". Học sinh thường tặng quà hoặc thiệp chúc mừng cho thầy cô trong dịp này.

Năm 2016, Jahana Hayes (trường trung học John F. Kennedy) vinh dự trở thành nhà giáo của năm. Cô được tôn vinh tại buổi lễ tổ chức trang trọng ở Nhà Trắng. 

Trung Quốc  

Các học sinh Trung Quốc có thể bày tỏ lòng biết ơn với giáo viên vào ngày 28/9 thông qua những tấm thiệp hoặc hoa. Ngày này cũng được chọn để kỷ niệm ngày sinh của Khổng Tử, người đã tạo ra mô hình giáo dục tổng thể ở Trung Quốc cổ đại.

Ngày nhà giáo là một sự kiện lớn ở Trung Quốc, được tổ chức trang trọng. Tuy nhiên, các truyền thống như môn đệ rửa chân cho sư phụ mình nhằm thể hiện sự kính trọng đã không còn, kể từ khi hệ thống giáo dục Trung Quốc áp dụng mô hình phương Tây.

Australia

Người Australia chọn thứ sáu cuối cùng của tháng 10 là ngày nhà giáo trên toàn quốc. Tuy nhiên, nếu rơi vào 31/10, trùng lễ Halloween, ngày lễ này sẽ được lùi lại một tuần. 

Học sinh và phụ huynh cùng đến tham dự buổi lễ. Giáo viên thường được học sinh tặng quà. Tuy nhiên, nếu món quà có giá trị cao, họ phải trả tiền nếu không muốn bị Ủy ban chống tham nhũng quốc gia kiểm tra và xử phạt. 

Hàn Quốc

Ngày nhà giáo ở Hàn Quốc được cho là có nguồn gốc từ Seoul từ năm 1963, khi một nhóm thành viên Hội chữ thập đỏ đến thăm giáo viên cũ đang ốm ở bệnh viện. Chuyến thăm thầy cô dần được phát triển thành thông lệ, tổ chức vào ngày 26/5. Đến năm 1965, Hàn Quốc đổi ngày nhà giáo sang 15/5 để kỷ niệm ngày sinh của vua Sejong Đại đế, người sáng tạo ra bảng chữ cái Hàn Quốc. 

Hoa cẩm chướng được chọn là loài hoa tri ân để học sinh tặng thầy cô giáo trong ngày này. Nhiều học sinh thường tự tay làm thiệp và viết những lời nhắn ý nghĩa để thể hiện lòng biết ơn. 

Chile

Năm 1975, Chile chọn 10/12 là ngày nhà giáo dựa trên sự kiện nhà thơ nổi tiếng Gabriela Mistral là nhà giáo dục Mỹ Latin đầu tiên nhận giải Nobel vào 10/12/1945. Đến năm 1977, ngày nhà giáo được đổi thành 16/10 nhằm ghi nhận ngày thành lập trường Cao đẳng Sư phạm Chile. 

Kể từ đó, ngày nhà giáo ở Chile luôn là ngày lễ trang trọng nhất trên khắp cả nước. Hàng nghìn học sinh và phụ huynh sẽ gửi thiệp chúc mừng và quà tặng, thể hiện sự yêu mến và trân trọng thầy cô giáo. 

Trong ngày này, các giáo viên xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn sẽ được tôn vinh. Ngoài ra, Chile còn tổ chức hội thảo quốc gia về giáo dục để giáo viên tự do thảo luận các vấn đề lớn, cập nhật chương trình giảng dạy.

Singapore

Ngày nhà giáo là thứ sáu đầu tiên trong tháng 9 ở Singapore. Thông thường lễ kỷ niệm được tổ chức từ ngày hôm trước, học sinh được nghỉ nửa ngày để tham gia sự kiện với các tiết mục giải trí.

Giáo viên ở Singapore dạy ít nhưng lại dành nhiều thời gian cho việc lập kế hoạch, xây dựng tinh thần đồng đội, hoạt động ngoại khóa, cố vấn học tập. Họ còn dành trung bình 9 tiếng mỗi tuần để chấm điểm (mức trung bình của thế giới là 5 tiếng).

Tuy nhiên, đối với đa số giáo viên nước này, niềm vui lớn nhất của việc giảng dạy không phải là học sinh đạt được điểm tốt mà là cách các bạn trưởng thành bằng nỗ lực của bản thân. Ngày nhà giáo là cách mọi người tri ân mồ hôi, công sức của những người thầy. 

Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày nhà giáo được tổ chức vào 24/11, Thổ Nhĩ Kỳ xem nghề giáo là thiêng liêng và không gì có thể so sánh được. Mustafa Kemal Atatürk, vị tổng thống đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ từng nói: "Một giáo viên tốt giống như một ngọn nến, nó đốt cháy bản thân để soi đường cho kẻ khác". 

Việt Nam

Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (FISE) trong đó Công đoàn giáo dục Việt Nam là thành viên, đã lấy 20/11 làm ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo. Năm 1982, Chính phủ Việt Nam thông qua quyết định lấy 20/11 là ngày nhà giáo trên toàn quốc. 

Vào ngày này, nhiều hoạt động chào mừng diễn ra trên khắp cả nước, thầy cô giáo thường nhận được hoa và quà từ học sinh. Nhiều nhóm bạn học cũ xem đây là dịp gặp mặt để ghé thăm những thầy cô giáo dẫn dắt mình từ ngày bé.

Ngày nhà giáo thế giới

Từ năm 1994, ngày 5/10 được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc chọn là ngày nhà giáo thế giới nhằm thể hiện sự tôn trọng với đóng góp to lớn mà các nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục, đồng thời thúc đẩy sự phát triển xã hội. 

Hơn 100 quốc gia tổ chức kỷ niệm ngày nhà giáo thế giới hàng năm. Liên đoàn Quốc tế qiáo dục tích cực phát động chiến dịch nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nghề giáo, tin tưởng rằng ngày này sẽ được tất cả quốc gia công nhận. 

 Loan Vũ

(Tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Các nước trên thế giới tri ân thầy cô giáo như thế nào? tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.