Cảnh báo ngộ độc thực phẩm áp Tết

Thúy Quỳnh
Các bác sĩ khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) vừa cấp cứu thành công một bệnh nhi bị tan máu cấp do ngộ độc thực phẩm. Từ trường hợp trên, các bác sĩ đưa ra khuyến cáo với người dân trong việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm, nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Bộ Y tế cũng có chỉ thị yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để người dân đón Tết an toàn, vui vẻ.

Miếng ăn có thể đổi mạng người

Theo chia sẻ của các bác sĩ khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), trung tuần tháng 1, khoa tiếp nhận bệnh nhân 8 tuổi (Thanh Trì, Hà Nội) trong tình trạng thiếu máu cấp, sốt cao, tiểu đỏ. Khai thác tiểu sử, trẻ không có gì đặc biệt, ngoại trừ thông tin gia đình cung cấp trước đó 3 ngày bé cùng chị họ ăn thịt bò khô có nhuộm phẩm màu không rõ nguồn gốc. Sau khi ăn 1 ngày, trẻ bắt đầu có dấu hiệu lạ như đau đầu, chóng mặt, sốt nhẹ. Đến ngày thứ 2 tiểu ra máu đỏ, nôn nhiều dù được uống men tiêu hóa, orezol nhưng tình trạng không thuyên giảm nên được đưa vào viện cấp cứu.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi bị tan máu do nhiễm độc. Bé được cấp cứu hồi sức và điều trị tích cực, truyền máu. Sau 2 ngày điều trị, bé qua cơn nguy kịch. Hiện bé được ra viện do các chỉ số trở về bình thường tuy nhiên vẫn cần theo dõi biến chứng và khám định kỳ.

Đây là một trong rất nhiều trường hợp ngộ độc liên quan đến ăn uống ở nước ta. Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy, an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề nóng bởi liên quan đến mọi người và luôn để lại hậu quả nặng nề với sức khỏe người bệnh.

Thực phẩm bẩn đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ

Thời điểm gần Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao, cũng là lúc hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc tìm cách trà trộn, thâm nhập thị trường. Điều này khiến người tiêu dùng càng thêm lo cho bữa ăn của gia đình.

Ba năm nay, cứ đến gần Tết, gia đình cô Nguyễn Minh Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) lại lên kế hoạch đặt thực phẩm sạch từ quê để sử dụng trong những ngày Tết. “Năm nào cũng vậy, cứ gần đến Tết là gia đình mình lại nhờ ông bà ở quê đặt trước cho nào là thịt gà, thịt bò, rồi rau, củ, trái cây. Ở quê mua được của người quen nên cũng yên tâm chứ mua ở chợ trên này, chẳng biết đường nào mà lần”.

Tuy nhiên, không phải bà nội trợ nào cũng may mắn như cô Hòa tìm được những mối thân quen để tìm mua thực phẩm sạch. Nhiều người tiêu dùng đôi khi cũng phải “khuất mắt trông coi” khi lựa chọn thực phẩm.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng quốc gia, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề nhức nhối với cơ quan chức năng và cả người dân. Nhức nhối bởi tình trạng thực phẩm bẩn vẫn ngang nhiên tồn tại. Nhức nhối bởi tâm lý tích trữ thức ăn trong những ngày Tết là nguyên nhân khiến thực phẩm trở nên không an toàn do bảo quản không đúng cách. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe của bản thân và gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ, bác sĩ Tiến cho rằng các bà nội trợ không nên mua quá nhiều thực phẩm; Bảo quản đúng cách và đảm bảo an toàn trong chế biến (không để lẫn thực phẩm sống - chín, rửa tay trước khi chế biến thức ăn cũng như cho trẻ ăn, giữ vệ sinh khu chế biến và không sử dụng phẩm màu không rõ nguồn gốc...).

Trước thực trạng thực phẩm bẩn vẫn tồn tại như hiện nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các địa phương tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Theo đó, các địa phương cần chủ động kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm để hạn chế mặt hàng không đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn được tung ra thị trường.

Mặt khác, các đoàn kiểm tra, phòng xét nghiệm phải lấy mẫu khi có nghi ngờ và trả kết quả sớm để có khuyến cáo kịp thời tới người tiêu dùng, đồng thời xử phạt nghiêm cơ sở vi phạm. Với các cơ sở điều trị, phải chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân trong dịp này.

Theo đó, các cơ quan chức năng đã đồng loạt ra quân, kiểm tra vệ sinh ATTP dịp Tết Nguyên đán. Theo đó Sở Công thương Hà Nội đã yêu cầu lực lượng quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tuồn vào tiêu thụ tại Thủ đô trong dịp Tết.

Tuy nhiên, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, đảm bảo ATTP còn cần sự chung tay góp sức của những người kinh doanh, người tiêu dùng. Hãy là những người tiêu dùng thông thái, tẩy chay với thực phẩm bẩn. Với các cơ sở kinh doanh, cần tuân thủ các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cho mọi người và cũng là cho cả chính mình.

Minh Phương (tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Cảnh báo ngộ độc thực phẩm áp Tết tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.