Trước mặt chúng tôi là người phụ nữ với gương mặt khắc khổ, có lẽ cô cũng chẳng quan tâm mình đã già trước tuổi như thế nào. Cô bạn Hà Anh vẫn ngồi ngoan ở góc phòng, cầm cái quạt nan phe phẩy cho chị gái vừa phẫu thuật được mấy ngày.
Cô Tươi và chú Lợi làm công nhân ở đồn điền cao su tại Gia Lai. Cô chú sinh được 3 cô con gái: Trà My là chị cả năm nay 13 tuổi, Hải Yến 9 tuổi, còn Hà Anh 4 tuổi. “Ngày bé đứa nào cũng bụ bẫm, khoẻ mạnh. Thế nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, được 6 tháng tuổi thì con thứ hai ốm, rồi đến con út”, cô Tươi nghẹn ngào chia sẻ.
Suốt 5 năm, cô chú chạy ngược chạy xuôi, hết lên bệnh viện tỉnh rồi lại vào bệnh viện Nhi đồng II mà vẫn không tìm ra bệnh. Đến đầu năm 2018, Hải Yến được các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi TW gửi mẫu máu đi Đài Loan và có kết quả chẩn đoán xác định là bệnh Gaucher.
Từ khi các bạn đau ốm, của cải trong nhà cô chú cứ thế “đội nón ra đi”. Dù dốc sức làm việc nhưng số tiền kiếm được không đủ để sinh hoạt.
Khó khăn chồng chất khó khăn, tiền chữa bệnh cho con đè nặng lên vai, hai vợ chồng vay mượn để chú Lợi đi xuất khẩu lao động Nhật Bản. “Một, hai năm đầu cũng may là đủ tiền trả nợ. Hai năm vừa rồi dịch bệnh COVID-19, thu nhập không được bao nhiêu nữa rồi!”, cô Tươi trải lòng.
Chỗ ngủ của bốn mẹ con.
Cô Tươi một nách ba con, ai thuê gì làm nấy, hôm nào con đau quá cô mới nghỉ. Nhà trọ cũng hết hợp đồng, bốn mẹ con dắt nhau về nhà ông ngoại. Cũng may còn căn nhà ba gian của ông để trông ngóng. Bốn mẹ con chị Tươi thì trải giát giường để ngủ.
Căn phòng đơn sơ, bên dưới, Hải Yến gầy gò nằm co quắp, lúc tỉnh lúc mê vì đau. Chốc chốc Hà Anh lại gọi mẹ: “Chị bị làm sao này mẹ ơi?”. Mặc dù nóng, dù sợ nhưng em vẫn ngồi ngoan, đôi mắt trong trẻo ngây thơ thoáng chút buồn.
“Đầu 2020 cháu phẫu thuật cắt lách. Sang năm nay thì mổ chân, vết mổ 20 ngày trước bị nhiễm trùng nên phải phẫu thuật lại... Bệnh có nguy cơ làm hoại tử xương, thêm dấu hiệu hở van tim và đau xương vai, gia đình sợ lại phải mổ tiếp” – cô Tươi vừa nói vừa gạt nước mắt.
Theo bác sĩ điều trị trực tiếp cho Hải Yến: “Bệnh Gaucher là bệnh hiếm gặp, phải dùng thuốc enzyme điều trị 2 tuần/1 lần và duy trì cả đời. Không có thuốc, bệnh sẽ càng ngày càng nặng và có thể gây tử vong”.
Để mua thuốc cho Hải Yến phải cần tới số tiền lên tới 2,4 tỷ đồng/năm. Hiện tổ chức Nhân đạo Quốc tế hỗ trợ 70%, gia đình cần phải chi thêm 720 triệu. Các nhà hảo tâm, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, Tổng đài siêu KUN (1800 585872) cũng chung tay giúp đỡ, hiện còn thiếu 371 triệu đồng.
Cô Tươi nhìn xa xăm với ánh mắt tuyệt vọng, chưa có tiền chữa bệnh cho Hải Yến, bản án tử còn lơ lửng trước mắt vậy mà Hà Anh đã nhận chẩn đoán ban đầu mắc bệnh Gaucher giống chị.
Tổng đài siêu Kun rời ngôi nhà nhỏ mà lòng đầy xao xuyến. Không biết rồi đây các bạn nhỏ sẽ ra sao, liệu có một phép màu nào để những đôi mắt ngây thơ kia hết buồn, để đôi chân xinh xắn kia lại được tung tăng chạy nhảy?
Mọi đóng góp xin gửi về số tài khoản: 13810000118119 tại ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Bến Nghé. Tên TK: Công ty cổ phần sữa Quốc tế.
Nội dung chuyển khoản: #76, Hỗ trợ gia đình Hải Yến và Hà Anh
Tổng đài siêu KUN 1800 585872 do Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế IDP sáng lập để giúp đỡ, chia sẻ, là cầu nối giữa các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm và những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, với sự đồng hành của các chuyên gia tâm lý giàu kinh nghiệm, Tổng đài siêu KUN luôn sẵn sàng lắng nghe, giúp bạn nhỏ giải đáp các vấn đề tâm lý học đường. |