Cúng ông Công ông Táo và những điều nên tránh

quochoi
Lễ cúng ông Công ông Táo là một tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời ở nước ta hằng năm. Tuy nhiên, cúng sao cho đúng lễ vật cũng như cung cách cũng không hề đơn giản.

Ông Công ông Táo là các vị thần bếp (hay còn gọi là thần Táo quân) trông nom cuộc sống của toàn bộ gia đình. Lễ cúng ông Công ông Táo hàng năm là một tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời ở nước ta.

Cứ đến ngày 23 tháng Chạp, Táo quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng.

Đây là một lễ cúng quan trọng trong dịp Tết cổ truyền. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng nắm được chính xác các quy trình, phong tục cúng lễ truyền thống. Vì thế, trong ngày 23 tháng Chạp, ngày cúng ông Công ông Táo, mọi gia đình nên tránh những việc làm sau:

Đặt mâm lễ cúng dưới bếp

Nhiều người quan niệm, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà nên được cúng trên bàn thờ chính trên nhà, còn ông Táo là 3 vị đầu rau trông coi việc bếp núc nên ông Táo phải được cúng dưới bếp.

Tuy nhiên, theo chuyên gia nghiên cứu tâm linh, việc cúng lễ như vậy là không đúng với phong tục, quy tắc truyền thống lâu đời của dân tộc. Vốn dĩ căn bếp không phải là nơi để thờ cúng, bởi nơi đó chỉ dành để đun nấu, có nhiều uế tạp, còn vị trí thờ cúng phải là chỗ sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà.

Chính vì thế, tất cả các vị thần đều phải được thờ phụng ở trên bàn thờ chính của gia đình. Không được đặt bát hương hay bàn thờ dưới bếp để thờ cúng các vị thần linh như ông Táo.

Khấn xin tài lộc, sung túc

Thực chất, lễ cúng 23 tháng Chạp mang ý nghĩa tiễn ông Công ông Táo về trời để báo cáo việc lớn việc nhỏ trong năm của gia chủ với thiên đình. Có rất nhiều người cúng ông Công, ông Táo không quên xin được làm ăn phát đạt, tấn tài tấn lộc, sung túc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phong thủy thì Táo Quân lên thiên đình là để báo cáo việc lớn nhỏ của gia chủ với Ngọc Hoàng nên việc cầu xin tài lộc, sung túc là không nên. Các gia đình chỉ nên khấn xin Táo báo những việc tốt đẹp trong năm.

Cúng lễ sau buổi trưa ngày 23 tháng Chạp

Theo tín ngưỡng dân gian, 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp là thời điểm ông Công ông Táo đã bay về chầu trời. Vì thế, việc cúng lễ cần tiến hành trước giờ này.

Thông thường, bắt đầu từ ngày 21 tháng Chạp đến trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp, các gia đình có thể lựa chọn thời gian phù hợp để làm lễ cúng ông Công, ông Táo. Khi hương cháy hết 2/3 là có thể hóa vàng mã, phóng sinh cá chép để tiễn ông Táo về trời.

Thả cá chép từ trên cao

Những năm gần đây, rất nhiều gia đình có điều kiện và mua thêm cá còn sống, cá vàng để cúng và thả xuống sống hồ với ý nghĩa là phương tiện để các vị thần về trời và cũng là hoạt động tín ngưỡng phóng sinh.

Cá chép tượng trưng cho thần linh nên các gia đình chỉ thả cá từ từ xuống nước để cá có thể sống được. Tuyệt đối không được đứng từ trên cao như trên cầu, đường ném cá chép xuống sông bởi rất có thể cá sẽ chết.

Bạn nên chọn một địa điểm mép nước ở sông, hồ và thả cá từ từ. Đặc biệt, không nên ném cả túi nilon xuống nước để tránh gây ô nhiễm môi trường.

Quốc Hội (tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Cúng ông Công ông Táo và những điều nên tránh tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.