"Cuộc chiến" chống hủ tục của giáo viên miền biên ải

Phan Thoa
Mỗi khi có tiếng la hét của học sinh bán trú vang lên trong đêm, các thầy giáo tại trường PT dân tộc bán trú THCS Nậm Típ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) lại vùng dậy bảo vệ.

Trước đây vào đầu năm mới, tục “bắt vợ, trộm vợ” trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người Mông, người Thái. Từ đầu, tục “bắt vợ” có thể được xem là mỹ tục. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, tục lệ này đang dần bị biến tướng.

Lắp camera chống nạn 'bắt vợ'

Những thiếu nữ tuổi “trăng rằm” về làm dâu nhà người, hậu quả đằng sau đó là sự khổ cực trong cuộc sống, những bạn nhỏ ấy làm mẹ, làm bố mà chưa đủ tuổi đôi mươi. Đặc biệt, những học sinh còn trên ghế nhà trường cũng trở thành nạn nhân.

Cách thành phố Vinh hơn 350 km, trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Típ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) nằm trong khu vực biên giới Việt - Lào. Do đặc thù của địa hình, ngôi trường được xây dựng theo sườn đồi, nằm sát bên là dòng Nậm Mộ êm đềm.

Thầy giáo Kha Văn Nghành - phó hiệu trưởng - nói: “Buổi ngày là thế, nhưng về đêm sẽ khác, các thầy giáo trong trường thường vui đùa với nhau ngày là thầy giáo, đêm là bảo vệ, là chiến sỹ trong cuộc chiến chống hủ tục”.

Theo thầy Ngành, toàn trường có 368 học sinh dân tộc thiểu số như Thái, Mông, Khơ Mú thuộc 2 xã biên giới Mường Ải và Mường Típ.

Năm 2014, học sinh của trường mới đỡ vất vả, không còn phải vượt hàng chục km đường rừng tới trường hay dựng lều tạm bợ để sinh sống cạnh trường, bởi được nhà nước đầu tư xây dựng một ngôi nhà hai tầng khang trang dành cho 273 học sinh ở bán trú.

Khu nội trú của học sinh thường bị các thanh niên bản lẻn vào “bắt vợ” gây mất trật tự.

“Ngày mà các bạn học sinh vào ở trong những căn phòng ấy thì những âu lo của thầy cô, phụ huynh được giảm đi chút ít. Nhưng cũng từ đây, các giáo viên lại phải 'căng mình' để đưa học sinh đi vào nề nếp, canh giữ không cho trai bản vào quấy phá, thậm chí là tìm học sinh nữ để 'bắt vợ'.

Ở đây thường có một số thanh niên vượt tường rào vào khu nội trú của học sinh chơi. Đặc biệt, vào các ngày nghỉ lễ, dịp Tết nguyên đán thì thanh niên đi làm xa về, tìm vào tận trường để bắt vợ theo phong tục. Chúng tôi phải thay phiên nhau canh giữ thâu đêm, suốt sáng để kịp thời phát hiện ngăn chặn.

Ngoài ra, để chống vấn nạn 'bắt vợ', nhà trường còn lắp đặt hệ thống camera giám sát, nhất là ở khu vực hành lang dãy nhà bán trú của học sinh để tiện theo dõi, quản lý”, thầy Ngành chia sẻ.

Trong 5 năm qua, trường này có khoảng 15 em học sinh ở hai khối 8 và 9 phải nghỉ học giữa chừng để lập gia đình. Tục “bắt vợ” vẫn diễn ra nhưng sự biến tướng trắng trợn đã biến tục lệ này thành vấn nạn.

Cuộc chiến chống hủ tục của giáo viên miền biên ải

Hàng chục vụ “bắt vợ” diễn ra, có sự giải cứu, can thiệp thành công nhưng cũng có khi ngậm ngùi chấp nhận. Nhìn học trò ngây thơ, tuổi ăn học mà phải về làm vợ, những năm sau làm mẹ khiến các giáo viên tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Típ thắt lòng.

Cứ mỗi khi học sinh vắng học nhiều ngày, thầy cô giáo lại lo âu nhìn về bản làng xa vời vợi. Hết tiết học, dắt vội chiếc xe, thầy cô hớt hải đến nhà xem tình hình ra sao.

Cô Trần Thu Trang - chủ nhiệm lớp 9B - cho biết: “Khi chúng tôi đến, ngỡ ngàng nhìn cảnh gia đình vui vẻ uống rượu, hỏi ra mới biết, học sinh đã bị một thanh niên bản bên bắt về làm vợ, nghĩ tới học trò nhỏ nhắn lại thương vô cùng”.

Giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Típ căng mình bảo vệ học trò khỏi nạn “bắt vợ”.

“Mới đây, giáo viên của trường đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn một nhóm thanh niên vào trường để bắt bạn Xồng Mái Lỳ (14 tuổi) về làm vợ. Đêm hôm đó, nhà trường phải đưa Lỳ lên ngủ với các cô. Nhưng rồi nữ sinh này cũng bị bắt về làm vợ khi cuối tuần Lỳ về nhà tại bản Ái Khe, xã Mường Ải. Sau khi cưới, Lỳ cũng nghỉ học luôn.

Ở trường thì có thể can thiệp được chứ ở nhà thì các giáo viên cũng đành chịu. Ngoài trường hợp bạn Lỳ thì còn có bạn  Moong Thị Nếp (14 tuổi, học sinh lớp 9) cũng bị bắt làm vợ nhưng vẫn đi học hết năm rồi nghỉ. Tiếp theo là một nam sinh lớp 9 cũng bỏ học vì 'bắt' được vợ. Chúng tôi phải thường xuyên nói chuyện, tuyên truyền để học sinh và phụ huynh hiểu rõ”, thầy Ngành chia sẻ.

Giữa năm 2017, các thầy giáo phát hiện 3 thanh niên vượt bờ rào vào khu vực nội trú của học sinh để tán tỉnh. Các thầy giáo liền chạy tới can thiệp, đồng thời đề nghị 3 thanh niên này ra khỏi trường.

Tuy nhiên, khi ra khỏi khu vực trường thì 3 thanh niên nắm đá tới tấp vào bên trong khiến học sinh hoảng loạn. Nhà trường phải nhờ tới sự can thiệp của công an, vụ việc mới dừng lại.

“Để bảo vệ học sinh, Ban giám hiệu nhà trường đã phân công một giáo viên nam làm Trưởng ban quản lý bán trú, mỗi phòng có hai giáo viên quản lý, lãnh đạo cũng nằm trong ban quản lý. Vào các ngày lễ, đặc biệt là dịptết, thanh niên trai tráng trong bản tới chơi nhiều gây mất trật tự. Thậm chí lúc 2 giờ, 3 giờ sáng thanh niên vẫn lẻn vào. Thầy cô thức trắng đêm là chuyện thường”, thầy Nguyễn Công Danh - hiệu trưởng nhà trường - cho biết.

Ngày miệt mài truyền đạt con chữ, đêm về soạn giáo án cho tiết học hôm sau nhưng thầy cô trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Típ thỉnh thoảng ngóng về khu bán trú của học trò. Nơi đó, những nữ sinh ngây thơ có thể thành vợ người bất cứ lúc nào nếu không được bảo vệ, can thiệp.

Cuộc chiến chống sự biến tướng trong tục lệ “bắt vợ” ở miền biển ải còn nhiều gian truân và sự hi sinh thầm lặng của những người thầy “cắm bản” càng thấm thía hơn bao giờ hết.

Bạn Moong Y An (học sinh lớp 9A) kể: “Ở cái tuổi này, một số bạn của mình đã nghỉ học để lấy chồng. Sau khi được thầy cô nói chuyện, giải thích về độ tuổi kết hôn, mình đã thuyết phục gia đình để không bị hối thúc chuyện lập gia đình, tiếp tục việc học của mình”.

Theo Tri thức trực tuyến

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết "Cuộc chiến" chống hủ tục của giáo viên miền biên ải tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.