Đã thành lập 61 Hội đồng trẻ em các cấp
Thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và nhiệm vụ đại diện, tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em, thời gian qua, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư đã chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành T.Ư, các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực trẻ em hướng dẫn các tỉnh, thành đoàn, Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố xây dựng và vận hành mô hình Hội đồng trẻ em.
Đến nay, cả nước đã có 17 “Hội đồng trẻ em” cấp tỉnh, 40 “Hội đồng trẻ em” cấp huyện và 4 “Hội đồng trẻ em” cấp xã. Hoạt động của mô hình được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sáng tạo, thiết thực tại cơ sở đã trở thành một kênh thông tin hiệu quả, chính thống để trẻ em gửi gắm tâm tư, nguyện vọng.
Thông qua các kỳ họp Hội đồng trẻ em, các thành viên Hội đồng trẻ em đã được trau dồi, nâng cao kỹ năng, phát huy tinh thần đoàn kết, học tập lẫn nhau; là môi trường rèn luyện kiến thức chính trị - xã hội, kỹ năng hiệu quả. Nhiều kiến nghị, đề xuất của trẻ em đã được các cấp chính quyền tiếp thu trong quá trình ban hành các chính sách cụ thể về các vấn đề liên quan đến trẻ em.
Từ thực tiễn triển khai thời gian vừa qua, có thể khẳng định, mô hình “Hội đồng trẻ em” là một chủ trương đúng đắn và đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn của công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, phát huy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em trong giai đoạn hiện nay.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các hình thức lấy ý kiến của trẻ em về các vấn đề trẻ em nói chung và việc triển khai mô hình “Hội đồng trẻ em” nói riêng thời gian qua vẫn còn một số hạn chế.
Trong đó, công tác tuyên truyền về hoạt động của “Hội đồng trẻ em” ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; một số cấp bộ Đoàn, Đội chưa chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện thành lập, hỗ trợ hoạt động của “Hội đồng trẻ em”; chưa phát huy vai trò của Ban tham vấn trong việc định hướng hoạt động của Hội đồng trẻ em; chưa kiên trì đeo bám, đề xuất để giải quyết các kiến nghị sau kỳ họp “Hội đồng trẻ em”...
Quan tâm, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của trẻ em
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Trẻ em năm 2016; Quyết định số 23/QĐ- TTg ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027, trên cơ sở kết quả triển khai mô hình “Hội đồng trẻ em” trong thời gian qua, Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các cấp bộ Đoàn thực hiện một số giải pháp để tăng cường triển khai mô hình Hội đồng trẻ em.
Theo đó, cần có các giải pháp về nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của mô hình “Hội đồng trẻ em”; thành lập và kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động “Hội đồng trẻ em” các cấp; tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng tổ chức, vận hành “Hội đồng trẻ em”; tăng cường công tác phối hợp liên ngành hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động của “Hội đồng trẻ em”.
Theo đó, đối với các đơn vị chưa triển khai mô hình “Hội đồng trẻ em” cấp tỉnh, Ban Thường vụ các tỉnh, thành Đoàn nghiên cứu, thành lập “Hội đồng trẻ em” cấp tỉnh theo hướng dẫn của Hội đồng Đội T.Ư. Phấn đấu đến hết năm 2027, 100% các tỉnh, thành phố triển khai thành lập và hoạt động hiệu quả “Hội đồng trẻ em” cấp tỉnh.
Đối với các tỉnh, thành phố đã triển khai “Hội đồng trẻ em” cấp tỉnh, Ban Bí thư T.Ư Đoàn yêu cầu tiếp tục quan tâm đầu tư, duy trì và tổ chức hiệu quả hoạt động của “Hội đồng trẻ em”. Phấn đấu mỗi năm tham mưu, thành lập mới ít nhất 1 “Hội đồng trẻ em” cấp huyện.
Ban Thường vụ các tỉnh, thành Đoàn, Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố tổ chức cho thành viên “Hội đồng trẻ em” gặp gỡ, tiếp xúc “cử tri” trẻ em ngoài nhà trường ít nhất 1 lần mỗi năm. Tổ chức cho đại diện của “Hội đồng trẻ em” cấp tỉnh tham dự ít nhất 1 kỳ họp Hội đồng Đội tỉnh, thành phố trong năm.
Ban Thường vụ các tỉnh, thành Đoàn, Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện để thành viên “Hội đồng trẻ em” cấp tỉnh được tham gia các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, lãnh đạo địa phương theo quy định của Luật Trẻ em ít nhất 1 lần mỗi năm, đồng thời, khuyến khích các đơn vị tham mưu Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho đại diện “Hội đồng trẻ em” tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố bàn về nội dung có liên quan tới trẻ em.
Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị, Ban Thường vụ các tỉnh, thành Đoàn, Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các ban, sở, ngành tham mưu lãnh đạo tỉnh, thành phố quan tâm, tạo cơ chế, điều kiện cho “Hội đồng trẻ em” các cấp hoạt động hiệu quả; lựa chọn các chủ đề kỳ họp “Hội đồng trẻ em” hàng năm. Trong đó, quan tâm, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của trẻ em thông qua các kỳ họp; hỗ trợ về kỹ thuật, nâng cao chất lượng hoạt động của “Hội đồng trẻ em”./.
Bảo Anh