Độc đáo dự án tranh gạo của 2 cô bạn với mong muốn gìn giữ giá trị truyền thống của nền văn minh lúa nước

Thu Trà
Những hạt gạo đồng quê mộc mạc tưởng chừng chỉ để chế biến thức ăn nhưng nhờ bàn tay khéo léo của 2 cô bạn Thanh Thảo và Vân Anh đã hóa thành những bức tranh đẹp uyển chuyển.

Nhờ những bức tranh gạo 2 cô bạn Trần Nguyễn Thanh Thảo (lớp 8A1) và Võ Thị Vân Anh (lớp 9A1) mà phòng sinh hoạt đoàn thể nhộn nhịp hẳn lên. Không những vậy, 2 nữ sinh này còn đại diện nhóm học sinh Trường THCS Thường Thạnh (quận Cái Răng, Cần Thơ) tham gia dự án “Tranh gạo và hướng phát triển”. Vinh dự được trao giải Nhất những bức tranh gạo của nhóm được đánh giá có tính ứng dụng cao, có giá trị kinh tế, hàm lượng sáng tạo và mỹ thuật nhiều...

Độc đáo dự án tranh gạo của 2 cô bạn với mong muốn gìn giữ giá trị truyền thống của nền văn minh lúa nước - Ảnh 3
Hai bạn đang thử nghiệm trên dòng vật liệu tái chế mới là vỏ các loại trứng. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Sản phẩm các bạn mang đến cuộc thi gồm hơn 20 tác phẩm tranh gạo, với các chủ đề đa dạng như: Danh lam thắng cảnh Việt Nam, nét đẹp phụ nữ Việt Nam, chữ thư pháp, hoa lá, con vật… Mỗi bức tranh là một công trình tỉ mỉ, qua bàn tay khéo léo, các em ghép từng hạt gạo nhỏ thành những mảng sáng tối, đủ màu sắc, sinh động và bền bỉ theo thời gian…

Độc đáo dự án tranh gạo của 2 cô bạn với mong muốn gìn giữ giá trị truyền thống của nền văn minh lúa nước - Ảnh 1
Tác phẩm tranh gạo hình chú mèo hết sức dễ thương. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

 Cô Đặng Thị Minh Trúc – phụ trách môn Mỹ thuật, người trực tiếp hướng dẫn các bạn thực hiện dự án cho biết: “Tranh gạo đòi hỏi người theo đuổi nó phải thực sự có đam mê và kỷ luật. Đam mê để sáng tạo không ngừng trong ý tưởng, kỷ luật để không bỏ cuộc mỗi khi “nản lòng”. Sự nản lòng đến từ rất nhiều yếu tố: Công đoạn chọn giống hạt gạo có độ tương đồng nhau “trăm hạt như một”, gia công bằng phương pháp rang trên nhiều cấp độ lửa để có được hàng chục màu gạo khác nhau, gia tăng thêm sự phong phú bảng màu cho hạt gạo bằng hình thức nhuộm màu từ tự nhiên, xử lý mối mọt và nấm mốc… Tiếp đó là sự tỉ mỉ trong công đoạn gắp từng hạt gạo kết nối nhau tạo thành bức tranh phẳng phiu, không có lỗ trống, bố cục chắc, chuyển màu mượt…

Nói qua quy trình có vẻ đơn giản nhưng để làm được một bức tranh phải mất 3-5 ngày ngồi đính từng hạt gạo lên khung gỗ. Việc đóng khung bức tranh cũng tốn không ít mồ hôi, công sức. Và quan trọng nhất có lẽ là công đoạn rang gạo để tạo màu. 

Chia sẻ về dự định trong trong tương lai Vân Anh hào hứng: "Ngoài việc hoàn thành 20 bức tranh để tham gia Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp thành phố học sinh trung học năm học 2020-2021 do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, chúng em còn được cô Minh Trúc hướng dẫn cùng các bạn trong trường làm thêm rất nhiều bức tranh gạo khác.

Độc đáo dự án tranh gạo của 2 cô bạn với mong muốn gìn giữ giá trị truyền thống của nền văn minh lúa nước - Ảnh 2
Hai chủ nhân của dự án bên các tác phẩm của mình. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Mục đích của hoạt động này là tạo phong trào học tập môn Mỹ thuật tại trường học sôi nổi hơn cũng như là phương tiện kết nối, gắn kết các thành viên trong gia đình dành thời gian cho nhau nhiều hơn; đồng thời hướng đến ý nghĩa làm từ thiện. Các sản phẩm học trò làm ra (với sự hỗ trợ từ người thân) sẽ được gửi bán tại một số cửa hàng bán tranh. Toàn bộ lợi nhuận được trích ra tạo quỹ hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó của nhà trường. Tương lai sẽ mở rộng hỗ trợ các học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn quận Cái Răng nếu nguồn lợi nhuận đạt kỳ vọng của nhóm”

 

Bài liên quan

Bài Gương Mặt khác