Du học không hiệu quả - lỗi ở khâu nào?

Nguyễn Hà
Nhiều người coi việc đi du học là bước ngoặt cuộc đời, mở ra một tương lại tươi sáng. Tuy nhiên, nếu sai lầm ngay từ khâu chuẩn bị thì tương lai tươi sáng chỉ là một giấc mơ.

Đi nước ngoài học Đại học lâu nay là một giấc mơ lớn đối với người Việt nói riêng và châu Á nói chung. Trong thực tế, đối với các ông bố bà mẹ, khi con được vào trường đại học ở nước ngoài, dường như mục đích cuộc đời đã đạt được, trong khi thực ra, khi chạm tay vào cánh cổng trường Đại học, mọi thứ mới thực sự bắt đầu, và không hề dễ dàng. Bố mẹ có thể đã hoàn thành được mục đích và cuộc đua của mình, nhưng đối với các con, những năm tháng này có thể sẽ rất tốt đẹp, có thể sẽ rất khó khăn, và thậm chí hoàn toàn là một sự lãng phí. Điều này phụ thuộc vào sự sẵn sàng và nỗ lực của từng sinh viên.

 Các du học sinh và gia đình thường nghĩ rằng, du học là cánh cửa mở ra một tương lai tươi sáng. Ảnh minh họa: Macquarie University (Úc).

 Thực tế là, thống kê về kết quả du học đưa lại những thông tin khá bất ngờ, trái với những mong đợi của bố mẹ khi con đi du học:

 1. Trình độ Tiếng Anh của sinh viên Việt Nam (thể hiện ở điểm IELTS), khi ra trường, đôi khi kết quả xuống thấp hơn là trước khi vào đại học nước ngoài. Đơn giản đó là vì nền tảng Tiếng Anh chưa thật tốt, chỉ đủ điểm yêu cầu để vào trường Đại học. Và trong quá trình học, thay vì trau dồi vốn ngôn ngữ qua các môn học thì sinh viên thường chỉ cầm cự để qua. Nghe thì rất ngược đời, nhưng đó là một thực tế. Hệ thống giáo dục của nước ngoài dựa vào khả năng và sự nỗ lực cũng như ý thức trách nhiệm của từng cá nhân, và học để qua theo kiểu “chữ thầy trả thầy” như đại bộ phận học sinh Việt Nam đã quen thì không quá khó. Nhưng để học tốt, học thu thập được kiến thức cho bản thân mình và để điểm cao thì thật sự không dễ dàng chút nào.

2. Sự hoà nhập vào xã hội bản xứ của sinh viên Việt Nam không cao, dẫn đến việc nhiều sinh viên đi du học nhưng hiệu quả cũng không hơn nhiều so với học ở trong nước. Sự ngại ngần khi giao tiếp với người bản xứ hay cộng đồng sinh viên quốc tế, sự co cụm lại với nhau của sinh viên cùng một nước, một phần, cũng do khả năng Tiếng Anh hạn chế. Cũng có nguyên nhân nữa là các mối quan tâm về các vấn đề xã hội, các hoạt động thể thao, văn hoá, cộng đồng của học sinh Việt Nam thường kém, nên không có cơ hội gia nhập vào các nhóm có cùng sở thích để mở rộng các mối quan hệ. Nhiều học sinh được gia đình chuẩn bị rất kỹ các hồ sơ hoạt động xã hội, học các môn ngoại khoá để có thể đưa vào CV xin học bổng, nhưng sở thích đam mê thật sự thì không có. Vì thế, rất nhiều sinh viên Việt Nam ngoài giờ học thì vẫn chỉ về nhà chơi game và sinh hoạt, giao lưu trong một cộng đồng nhỏ hẹp của mình. Điều này giảm đi có lẽ đến 50% giá trị du học là trải nghiệm cuộc sống và văn hoá ở nước ngoài.

3. Cơ hội làm việc không cao.

Việc sinh viên trong nước sau khi tốt nghiệp không có việc làm không hề mới mẻ, và rất nhiều các bạn du học sinh mang tấm bằng nước ngoài về cũng rơi vào trường hợp tương tự. Họ không lên mặt báo có lẽ cũng vì họ thuộc những gia đình khá giả, bố mẹ lại xin cho con mình vào chỗ nào đó để đi làm.

Việc học xong ở lại làm việc hay đi làm việc ở nơi khác trên thế giới cũng không hề dễ dàng. Các nhà tuyển dụng toàn cầu có hai tiêu chí hàng đầu, đó là: Tiếng Anh và khả năng giao tiếp, thuyết trình, và sinh viên Việt Nam thường đều bị kém ở cả hai kỹ năng này. Chưa kể, chính sách xã hội và các thủ tục phức tạp khi thuê lao động nước ngoài khiến họ luôn ưu tiên thuê người bản xứ trước.

Bên cạnh đó, việc chọn ngành nghề có tính tuyển dụng cao hay là phù hợp với khả năng, sở thích cũng chưa được thực sự ưu tiên do nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan. Hệ thống Giáo dục Phổ thông ở nước ngoài, ví dụ như ở Úc, năm lớp 11-12 học sinh đã học phân ban, chọn những môn học cá nhân học sinh thấy có thể học tốt và những môn học phù hợp với sở thích của từng cá nhân. Dù có thể định hướng nghề nghiệp chưa ổn định do học sinh sẽ còn thay đổi khi vào Đại học, thậm chí khi đang học Đại học, việc này cũng làm cho học sinh có những hướng đi nhất định: học sinh quan tâm vào vấn đề gì, làm tốt điều gì thì thường đó cũng là định hướng nghề nghiệp của họ.

Hơn nữa, hai năm cuối Phổ thông học sinh đã được học theo cách thức gần với Đại học nhất, về mặt kỹ năng. Và như thế, nếu coi kiến thức là phần cứng, kỹ năng là phần mềm, khi học sinh vào Đại học họ đã có thể tập trung vào học cho bản thân mình, để có thể ra làm việc, học cho tương lai và cuộc sống, chứ không chỉ học để chỉ là học, để lấy tấm bằng.

Ngày 23/9/2016, tại SACE College Việt Nam sẽ diễn ra buổi nói chuyện về chương trình tiền đại học của Úc (SACE hệ quốc tế) sắp triển khai tại Hà Nội, việc chuẩn bị kỹ năng cho Học sinh cấp 3 đi du học, các phương pháp học thành công ở trường Đại học và các ngành nghề tốt cho tương lai với sự tham gia của hai Giáo sư hàng đầu về Tài chính và Tài chính ứng dụng của Trường Đại học Macquarie (Úc). Đăng ký tại đây.

Vậy có lẽ mấu chốt của việc đi học Đại học nước ngoài thành công đó là sự chuẩn bị, không chỉ là về mặt tài chính. Đó vẫn phải là sự chuẩn bị kỹ lưỡng về ngoại ngữ, về phương pháp học gần nhất với cách dạy và học ở nước ngoài, là nghiên cứu và có chính kiến với các vấn đề xã hội (không chỉ hạn chế ở những đề tài thi IELTS như sự nóng lên toàn cầu…), các sở thích và hoạt động xã hội thật sự (không chỉ để lấy thành tích cho vào CV xin học bổng). Và dĩ nhiên là phải có những nghiên cứu về nghề nghiệp tương lai cho bản thân từ hai góc độ: Ngành nào sẽ mang lại công việc trong lương lai và ngành nào phù hợp và mình có thể làm tốt?

Theo Dân trí

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Du học không hiệu quả - lỗi ở khâu nào? tại chuyên mục Tuyển Sinh - Du Học của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Tuyển Sinh - Du Học khác