Giáo viên vùng khó đem bài tập, sách báo đến tận nhà cho học sinh

Trong thời gian nghỉ học, các trường vùng cao, miền núi, nông thôn đã phân công giáo viên lập đề cương ôn tập, đến tận nhà giao bài cho học sinh.

Có những điểm trường lẻ, vùng biệt lập, giáo viên tình nguyện cắm bản 24/24 để hỗ trợ các bạn trong thời gian nghỉ học.

Cô giáo điểm trường Phà Lõm, Tiểu học Tam Hợp (huyện Tương Dương, Nghệ An) đem bài tập đến tận nhà học sinh

Ngay khi bắt đầu kỳ nghỉ dài phòng chống dịch bệnh COVID-19, Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, Nghệ An đã có văn bản chỉ đạo các trường thực hiện nhiệm vụ phòng dịch và ôn tập cho học sinh.

Trong đó nhấn mạnh đến nhiều giải pháp để hướng dẫn học, giao bài tập, giao sách báo cho học sinh. Đối với những vùng thị trấn, thuận lợi có kết nối Internet, có thiết bị điện tử sẽ dạy học trực tuyến. Ngược lại, cũng có những vùng khó khăn, biên giới, lòng hồ… thì giáo viên phát huy trách nhiệm, tìm giải pháp đưa bài tập, sách báo đến tận tay học sinh.

Giáo viên Trường Tiểu học Tam Quang 2 (huyện Tương Dương) chở bài tập, sách báo đến bản cho học sinh.

Trường Tiểu học Tam Hợp (huyện Tương Dương, Nghệ An) đóng tại địa bàn huyện biên giới, có nhiều điểm lẻ như Phà Lõm, Bản Phồng, Huồi Sơn, giao thông cách trở, đèo dốc. Học sinh của trường 100% là con bạn đồng bào dân tộc thiểu số Thái, Mông, Tày Poọng… Việc trao đổi bài tập qua mạng Internet không thực hiện được. Trước thực tế đó, nhà trường huy động giáo viên luân phiên đến tận nhà học sinh để giao bài tập cho học sinh.

Việc giao bài tập đến tận tay học sinh là giải pháp cho các trường vùng khó, khi học sinh phụ huynh không có phương tiện về công nghệ thông tin.

Cô Vi Thị Lệ đang chủ nhiệm lớp 3, điểm trường Phà Lõm (Tiểu học Tam Hợp) cho biết: “Mỗi ngày đều có giáo viên đến bản, luân phiên nhau giao bài tập mới, thu bài làm hôm trước và hướng dẫn các bạn ôn tập. Nhiều bạn đã biết học nhóm cùng nhau và hỏi cô những bài chưa hiểu. Ngoài việc ôn tập, chúng tôi còn thăm hỏi, nắm tình hình sức khỏe học sinh, tuyên truyền cho các bạn và bố mẹ giữ vệ sinh, phòng dịch bệnh”.

Cô giáo đến tận bản để trao đổi với phụ huynh về việc học của các bạn học sinh.

Còn trường Tiểu học Tam Quang 2 (huyện Tương Dương) cũng ra quân đến nhà học sinh từ ngày 17/2. Ngoài giao bài tập, các cô còn mang nhiều sách báo, truyện từ thư viện cho học sinh mượn đọc. Theo hiệu trưởng nhà trường, việc hình thành thói quen đọc sách cho học sinh được nhà trường quan tâm. Vì thế, dịp nghỉ học này, thấy các cô chở theo sách đến nhà các bạn rất phấn khởi, vừa có sách đọc thêm ở nhà, tránh tình trạng đi chơi xa.

Nhiều bạn học sinh tập trung lại học nhóm và nhờ cô giáo giải đáp những bài chưa hiểu.

Trong đợt nghỉ dài này, huyện Tương Dương và nhiều huyện vùng núi cao khác cũng lo lắng đó học sinh, đặc biệt là các bạn lớp 1 quên mất chữ (đặc biệt là với học sinh lớp 1). Vì vậy, nhiều trường tiểu học vừa phòng chống dịch bệnh covid-19 vừa đặt mục tiêu chống tái mù chữ.

Thầy Kha Văn Thông - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nga My nói thêm: Trường chúng tôi có 5 điểm trường, nơi xa nhất là bản Na Ngân cách trung tâm xã hơn 20 km đường rừng, nhiều quãng suối. Để học sinh không quên sách vở, cứ 3 ngày sẽ có giáo viên xuống từng bản để giao bài tập và chữa bài cho học sinh. Một số thầy cô còn tự nguyện cắm bản 24/24h.

Nhiều giáo viên nán lại nhà học sinh để nhắc lại kiến thức trước khi giao bài tập.

Cô Võ Tuyết Chinh - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Phòng, các trường đã phân công giáo viên đến từng bản để ra bài tập và chữa bài cho các bạn. Mặc dù địa bàn của huyện Tương Dương đi lại rất khó khăn, cách trở nhưng giáo viên trên địa bàn rất nhiệt tình, tâm huyết. Việc làm ý nghĩa này không chỉ được học sinh đón nhận mà phụ huynh cũng rất phấn khởi.

Trong thời gian nghỉ, các trường phối hợp với Trung tâm y tế phun hóa chất khử khuẩn trường học phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Nhiều trường học vùng nông thôn, không có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin, các thầy cô cũng mang sách vở, photo bài tập đến tay học sinh.

Cô Trần Thị Hà – Hiệu trưởng trường Tiểu học Liên Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) nói: Thông thường, sau mỗi kỳ nghỉ dài, việc lấy lại tâm thế, thói quen, tinh thần học tập cho học sinh rất vất vả. Trong khi đó, nếu ra bài tập cho học sinh qua các mạng như Zalo, Facebook thì chỉ có khoảng 40% phụ huynh tiếp cận được.

Trường có 17 lớp với gần 550 học sinh. Đến thời điểm này, hầu hết học sinh đều đã nhận được bài tập ở nhà từ giáo viên với nhiều hình thức khác nhau.

Giáo viên Trường PT DTBT THCS Lưu Kiền (huyện Tương Dương) giảng bài, hướng dẫn học sinh ôn tập tại nhà.

Không gian học tập của học sinh ở các bản làng vùng cao có thể ở bên bếp lửa, trước hiên nhà...

Việc đưa bài tập đến tận nhà cho học sinh được phụ huynh đồng tình, ủng hộ.

theo GD&TĐ

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Giáo viên vùng khó đem bài tập, sách báo đến tận nhà cho học sinh tại chuyên mục Trường Lớp của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Trường Lớp khác

Học sinh tìm hiểu Thủ đô Hà Nội qua những trang sách

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), cô và trò trường Tiểu học Dịch Vọng A đã tổ chức Ngày hội tuyên truyền và giới thiệu sách với chủ đề "Phát huy hào khí Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" và Hội thi tổ chức “Hội thi trưng bày và giới thiệu sách”.

Aerobic lấp lánh ánh vàng

Đội tuyển Aerobic trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội đã xuất sắc giành 2 Huy chương Vàng tại Hội khỏe Phù Đổng cấp Quận lần thứ X năm 2024.

Tấm lòng của giáo viên với học trò

Ở trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) với tấm lòng yêu mến trẻ thơ, các thầy cô luôn hỗ trợ các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn.