Bộ phim bom tấn sinh tồn Hàn Quốc - Squid Game (Trò chơi con mực) đã trở thành series ăn khách nhất Netflix khi thu hút hơn 111 triệu người xem. Đứng đầu danh sách được xem nhiều nhất của nền tảng trực tuyến này tại 94 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có cả Mỹ.
Các nhân vật trong phim sẽ phải tham gia vào nhiều trò chơi, người giành chiến thắng được hứa hẹn nhận một phần thưởng lớn giúp đổi đời. Trong trò chơi đầu tiên, con búp bê khổng lồ hô lớn hiệu lệnh "Hoa Mugunghwa đã nở" hay "đèn đỏ - đèn xanh". Người chơi chỉ được phép di chuyển khi có hiệu lệnh "Hoa Mugunghwa đã nở".
Người chơi bị bắt gặp di chuyển sau khi búp bê nói hết câu sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Dựa vào quy định của trò chơi này, NTR - một đài truyền hình của Hà Lan đã "chế" lại để tuyên truyền mọi người tiêm vaccine Covid-19. Đoạn video tuyên truyền này được phát trong chương trình Talkshow DeSocieteit.
Thay vì nói câu hát như trong bản gốc của bộ phim thì búp bê lại hỏi: "Ai đã được tiêm phòng?" và người nào chưa tiêm sẽ bị loại. Các lời thoại của nhân vật cũng được chuyển thể sang tiếng Hà Lan như "Anh này, tôi đã bảo anh đi tiêm vaccine rồi cơ mà", "Giờ thì quá muộn rồi, giờ anh không thể tìm được chỗ ngồi trong các nhà hàng nữa đâu".
Giọng người điều khiển trò chơi được đổi thành: "Nếu muốn đến nhà hàng, bạn cần mã QR (xác nhận đã tiêm chủng). Tiêm vaccine ngay. Tiêm vaccine ngay". Video này của đài NTR nằm trong chiến dịch khuyến khích người trẻ tuổi ở Hà Lan đi tiêm vaccine.
Không chỉ có Hà Lan, cảnh sát Mumbai (Ấn Độ) cũng đã nhanh chóng bắt trend trò chơi này để chia sẻ thông điệp về an toàn giao thông trên mạng Instagram. Theo đó, Sở cảnh sát viết: "Bạn là người chịu trách nhiệm trong chính 'trò chơi' của mình ở trên đường giao thông. Bạn có thể tự cứu mình khỏi việc bị loại trừ. Hãy dừng lại khi đèn đỏ".
Ý tưởng này của cảnh sát đã được hưởng ứng tích cực trên mạng xã hội và nhận được hơn 111.000 lượt xem. Nhiều người còn để lại bình luận khen ngợi cách truyền tải thông điệp độc đáo.
Trước đây, cảnh sát Mumbai cũng đã từng sử dụng hình ảnh trích dẫn từ các bộ phim nổi tiếng như Harry Potter, Friends hay một số bài hát, chương trình truyền hình của Ấn Độ để tuyên truyền về an toàn giao thông, đeo khẩu trang, tiêm vaccine phòng Covid-19.