Hé lộ hậu trường những bức ảnh lung linh chụp bằng iPhone

Phạm Quang Trường
Làm sao họ có thể chụp được những bức ảnh như vậy? Hãy cùng tìm hiểu xem nhé!

Có đôi lúc ta nhìn những bức ảnh đẹp trên mạng, bạn phải thốt lên vì sao nó lại đẹp như thế. Nhưng cũng có đôi lúc, ta lại bất ngờ nhiều hơn khi biết rằng những bức ảnh ấy lại được chụp từ chiếc điện thoại iPhone. Lúc này bạn lại tự hỏi: "Liệu rằng có thứ ma thuật nào đã giúp họ làm được điều này? Hay đây chỉ là một bức ảnh giả tạo?" Hôm nay chúng tôi sẽ vén bức màn bí ẩn này cho bạn.

1. Ảnh chụp bông tuyết

Nhìn những bức ảnh này, ai lại nghĩ được chụp bằng iPhone kia chứ? Thế nhưng sự thật lại là vậy đấy. Theo nhiếp ảnh gia Jessica Dyer, chủ nhân của những bức ảnh này trên Flickr thì cô dùng ống kính Olloclip Macro Pro loại có độ phóng đại to nhất (21x) rồi gắn lên trên camera của iPhone.

Để chụp được bông tuyết, cô cho biết thường hay ra ngoài, cầm theo một ít vải lông cừu rồi đặt chúng lên bàn, chờ tuyết rơi xuống và bắt đầu "hành động". Cô tỉ mỉ với từng bông tuyết một, cứ thấy cái nào đẹp là lại chụp. Một khó khăn mà cô thường gặp phải là khi ở ngoài trời lạnh quá lâu, iPhone đôi khi sẽ bị tắt nguồn, vì thế cô luôn mang thêm túi ấm để giữ ấm cho tay mình cũng như iPhone.

 Và đây là bức ảnh hậu trường, nếu ai đó tình cờ đi ngang qua, chắc cũng không nghĩ cô này đang chụp bông tuyết đâu nhỉ?
 
 
2. Chụp tia sét
 
 
Bạn cũng hiểu rằng tia sét thường xảy ra rất nhanh và chẳng bao giờ đợi bạn giơ máy ra lấy nét rồi chụp, vậy làm sao một chiếc iPhone có thể làm được? Jessica Dyer chia sẻ rằng cô dùng ứng dụng iLightningCam, nó sẽ tự động chụp ảnh mỗi khi trên bầu trời có dấu hiệu chuyển động lạ. Điều khó nhất ở đây là cô phải tìm ra một địa điểm lý tưởng để có thể thấy được rõ tia sét.
 
 
Thường muốn có ảnh tia sét đẹp thì bạn phải lựa khoảnh khắc trước khi cơn giông đổ ập xuống. Khi cơn mưa bắt đầu thì lúc này bạn chỉ thấy chớp sáng trời chứ tia sét sẽ dần ít lại.
 
 
Đây là những món "đồ chơi" được cô mang theo khi chụp những cảnh này: chân đế Joby Gorillapod có khả năng bắt dính lên tường và sạc dự phòng.

3. Quay Timelapse và chụp Timestack

Timelapse có thể hiểu nôm na là kiểu quay video trong một thời gian dài, ghi lại những biến chuyển của tự nhiên, con người trong một hoặc nhiều khung cảnh. Vì thế Jessica Dyer luôn cần một chiếc chân Joby Gorillapod để giữ vững iPhone trong khi quay, kèm theo đó là pin dự phòng. Tất nhiên "vũ khí" quan trọng nhất chính là ứng dụng Lapse-It Pro giúp cô có thể ghi lại những thước phim timelapse này.

Bên cạnh đó, cô còn thích thú với kiểu ảnh chụp Timestack, tức không quay thành video mà ghép toàn bộ những chuyển động của thiên nhiên vào thành một bức ảnh. Và ứng dụng cô dùng lúc này là iLapse.

Cô cũng chia sẻ thêm, khi chụp Timestack hoàng hôn, cô thường bắt đầu để máy chụp trước thời điểm đó khoảng 15-20 phút, và cứ thế tiếp tục chụp cho đến sau khoảnh khắc hoàng hôn thêm 15-20 phút nữa. Trong ứng dụng nữ nhiếp ảnh gia này sẽ thiết lập cứ mỗi 1 hoặc 6 giây sẽ chụp 1 tấm, tùy theo lượng mây cũng như tốc độ di chuyển của mây.

4. Chụp phơi sáng (Long Exposure)

 Cũng giống như các kiểu chụp trên, Long Exposure cũng cần phải dùng đến ứng dụng, và ở đây Jessica nhờ đến Slow Shutter Cam.
 
 
Thường với kiểu chụp này sẽ không tốn nhiều pin, nên việc mang theo pin dự phòng cũng không cần thiết mấy. Bởi theo Jessica, mỗi bức ảnh chỉ tốn 8-30 giây để chụp, thay vì phải 30-45 phút như Timestack.
 
 
Theo Trí Thức Trẻ

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Hé lộ hậu trường những bức ảnh lung linh chụp bằng iPhone tại chuyên mục Mẹo Hay của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Mẹo Hay khác