SEA-PLM là chương trình đánh giá học sinh lớp 5 ở các lĩnh vực Toán học, Đọc hiểu, Viết và Giáo dục Công dân toàn cầu, nhấn mạnh chất lượng và chiều sâu của việc học tập. Có 6 quốc gia là Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Phillippines và Việt Nam đã tham gia chu kỳ khảo sát đầu tiên.
Kết quả đánh giá cho thấy, ở lĩnh vực Toán học, điểm trung bình của học sinh Việt Nam là 341,55 điểm. Trong khi đó, điểm trung bình của học sinh 6 quốc gia là 304,79 điểm.
Lĩnh vực Đọc hiểu, điểm trung bình của học sinh Việt Nam là 336,46 điểm. Trong khi đó, điểm trung bình của học sinh 6 quốc gia là 300 điểm.
Lĩnh vực Viết, điểm trung bình của học sinh Việt Nam là 328,01 điểm. Trong khi đó, điểm trung bình của học sinh 6 quốc gia là 304,92 điểm.
Phân tích chi tiết kết quả khảo sát tại Việt Nam cho thấy học sinh vùng sâu, vùng xa còn khoảng cách khá xa so với học sinh các vùng khác về kết quả ở 3 lĩnh vực.
Kết quả học tập trong lĩnh vực Toán học của học sinh nữ tương đương với học sinh nam nhưng ở lĩnh vực Đọc hiểu và Viết, học sinh nữ đạt thành tích cao hơn học sinh nam.
Học sinh ở nhóm gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, trung bình cao có mức điểm trung bình và mức độ thành thạo chênh lệch lớn so với nhóm học sinh gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, trung bình thấp. Trình độ học vấn của cha mẹ càng cao thì kết quả học tập của con cái càng tốt. Bên cạnh đó, nghề nghiệp của cha mẹ, điều kiện học tập ở gia đình cũng có ảnh hưởng khá lớn đến kết quả học tập của học sinh.
Với việc tham gia SEA-PLM, ngoài mục tiêu chung của các nước ASEAN, Việt Nam hướng tới một số mục tiêu cụ thể như hội nhập với các nước trong khu vực về giáo dục; đo được mặt bằng giáo dục Việt Nam so với các nước trong khu vực; phân tích được thực trạng giáo dục và các khuyến nghị thay đổi chính sách giáo dục để cải thiện chất lượng giáo dục Việt Nam ngày một tốt hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, hoạt động của SEA-PLM đã giúp ngành Giáo dục nhận thức được đầy đủ vai trò, tầm quan trọng của công tác đánh giá chất lượng giáo dục. Theo đó, việc đánh giá chất lượng giáo dục không chỉ dựa trên kết quả dạy học mà còn thể hiện ở công tác quản trị, quản lý nhà trường; thể hiện ở các yếu tố tác động như môi trường giáo dục, cơ sở vật chất, sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh, yếu tố vùng miền, khu vực…