Khám phá Tết Trung thu của các nước châu Á

Vũ Hồng Loan
Trung thu là một trong những dịp lễ hội được mong đợi nhất tại Việt Nam và nhiều nước châu Á khác. Tuy nhiên, phong tục và ý nghĩa của ngày lễ Trung thu ở mỗi quốc gia lại khác nhau.

Nhật Bản: Tết Trung thu – Lễ ngắm trăng

Nhật Bản cũng chào đón lễ Trung Thu vào ngày 15/8 âm lịch hàng năm và có tên gọi là Otsukimi (lễ hội ngắm trăng). Được tổ chức tại đất nước mặt trời mọc từ hơn 1000 năm trước, Otsukimi nhằm tôn vinh mặt trăng trong mùa thu, thời điểm mặt trăng tròn nhất.

Nếu như người Việt cho rằng mặt trăng có cây đa, chú Cuội, Hằng Nga, thì người Nhật lại là thỏ ngọc. Chính vì vậy bánh Trung Thu của người Nhật là Tsukimi Dango thường có hình thỏ ngọc và được xếp chồng lên nhau theo hình tháp. 

Tsukimi dango giống như bánh trôi nước, nhưng được nướng sơ qua cho nóng giòn. Khi ăn bánh, người ta thường thêm chút mật đường ngọt lịm lên trên. Bánh luôn được đặt trang trọng trên một chiếc kệ nhỏ ngay hiên nhà, thích hợp cho việc vừa ngắm trăng vừa nhâm nhi. Bên cạnh nhân vật chính là Tsukimi dango, lễ Trung Thu ở Nhật còn có sự góp mặt của khoai lang, hạt dẻ, các loại mì như soba, ramen...

Vào lễ hội này, người Nhật thường tổ chức ngắm trăng tại những nơi có thể nhìn thấy trăng tròn, sáng tỏ nhất và ăn những món ăn cổ truyền. Người dân bày bánh thành một mâm lớn, để trước thềm để vừa có thể ngắm trăng vừa ăn.

Đặc biệt, trẻ em Nhật Bản rước đèn cá chép trong các hội thưởng trăng. Đứa trẻ nào cũng có đèn cá chép kể từ khi lọt lòng mẹ vì cá chép tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là đối với các bé trai.

Hàn Quốc: Tết Trung thu – Lễ Tạ ơn tổ tiên

Tết Trung Thu ở "xứ củ sâm" có tên gọi là tết Chuseok (lễ tạ ơn) đây là lễ hội mừng mùa bội thu và cảm tạ tổ tiên của người Hàn Quốc. Vào dịp này, những người đi xa đều quay trở về quê hương để đoàn tụ và cùng thưởng thức những món ăn truyền thống như bánh songpyeon (bánh gạo có hình trăng lưỡi liềm) và uống rượu sindoju.

Vào dịp này, người dân hàm quốc sẽ làm cỗ để cúng tổ tiên, và đặc biệt, chỉ người con trai mới được sắp cỗ. Một mâm cỗ cũng thường khá cầu kỳ, được chia làm 5 tầng: bánh songpyeon, canh thịt bò và rượu, cá hấp, nến, kẹo và hoa quả.

Trung Thu cũng là dịp đi tảo mộ của người Hàn Quốc. Họ thường tới thăm mộ tổ, dọn cây dại và làm sạch khu vực quanh mộ, sau đó dâng thức ăn, đồ uống truyền thống lên tổ tiên.

Trung Quốc: Tết Trung thu – Tết Đoàn Viên

Tết Trung Thu của Trung Quốc được tổ chức vào ngày 15/8 và được gọi với nhiều cái tên như Thu tiết, Bát Nguyệt tiết, Bát Nguyệt Hội, Nguyệt tiết... Người Trung Quốc rất xem trọng sự sum họp, đoàn viên của gia đình trong dịp Tết Trung Thu. Họ thường tổ chức múa rồng lửa để cầu mong sự may mắn, thịnh vượng.

Theo phong tục của người Trung Quốc, Tết Trung thu là "Tết Đoàn viên". Trước đêm Trung thu, mọi người trong gia đình, dù sống nơi đâu cũng đều quay về đoàn tụ với ông bà cha mẹ ăn bữa cơm đoàn viên, đó là ý nghĩa "song viên". Trong đêm Trung thu, các gia đình Trung Quốc thường có nghi thức tế nguyệt (cúng mặt trăng) để cầu cho mùa màng tươi tốt, gia đình bình an và quây quần cùng nhau để ngắm trăng. Bên cạnh đó, trong dịp Tết Trung thu, người Trung Quốc cũng thường tổ chức múa rồng lửa, thả hoa đăng, để cầu mong sự may mắn, thịnh vượng. Với trẻ em, đây cũng là dịp các em được chơi đèn lồng, rước đèn, ăn bánh Trung thu.

Về ẩm thực Trung thu Trung Quốc, điều đầu tiên phải kể đến Bánh Trung thu. Bánh Trung thu của Trung Quốc tiêu biểu nhất, phổ biến nhất là bánh Trung thu kiểu đặc trưng Quảng Đông. Bánh Trung thu kiểu Quảng Đông thường nhân hạt sen, đậu, thập cẩm, hoa quả, xá xíu. Còn bánh Trung thu kiểu Bắc Kinh có tên gọi riêng, gọi là Tự Lai Hồng và Tự Lai Bạch, nhân đường trắng, đường phèn và các loại hạt khô. Ngoài ra, những năm gần đây còn thịnh hành bánh Trung thu kiểu Vân Nam nhân thịt đùi lợn muối, ngoài ra còn có loại bánh Trung thu Tô Châu.

Việt Nam: Tết Trung thu – Tết thiếu nhi

Tết Trung thu thường diễn ra vào ngày 15/8 âm lịch hàng năm, khi mặt trăng tròn và sáng nhất. Tết Trung thu ở Việt Nam là một trong những lễ hội cổ truyền được người dân tổ chức rầm rộ nhất. Ngày lễ này thường được coi là "tết của thiếu nhi", vì vậy người lớn thường mua nhiều đồ chơi tặng cho con, cháu mình như: mặt nạn, đèn ông sao, đèn lồng, trống, đầu sư tử, ông tiến sĩ giấy... để chơi trong đêm trăng rằm.

Bên cạnh đó, người ta còn tổ chức múa lân (múa sư tử) trong tiếng trống huyên náo tạo nên không khí Trung thu tưng bừng. Đoàn múa lân gồm nhiều em nhỏ đi đến trước cửa từng nhà trong thôn, xóm để trình diễn những điệu múa đẹp mắt. Sau đó, chủ nhà thưởng cho đoàn múa lân một chút tiền lẻ để lấy may mắn.

Mâm cỗ cúng trăng truyền thống trong ngày Tết Trung thu ở Việt Nam gồm 5 loại hoa quả tượng trưng cho ngũ hành trong trái đất, bánh nướng, bánh dẻo với nhiều hương vị khác nhau. Bánh nướng, bánh dẻo là 2 loại bánh đặc trưng của Tết Trung thu ở Việt Nam, có hình tròn hoặc hình vuông tượng trưng cho đất trời hay sự viên mãn sung túc. Bánh nướng có vỏ ngoài vàng óng, còn bánh dẻo lại trắng ngà với mùi thơm đặc trưng của từng hương vị. Những miếng bánh ngọt được thưởng thức với trà xanh, thường là trà đặc – một trong những thức uống yêu thích của người Á đông. 

Thái Lan: Tết Trung thu - Lễ cầu trăng

Tết Trung thu ở Thái Lan được gọi là "lễ cầu trăng", tổ chức vào đúng ngày 15/8 âm lịch. Trong đêm Trung thu ở Thái, tất cả già trẻ gái trai đều phải tham gia lễ cúng trăng, mọi người sẽ ngồi quây quần bên bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên để cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất.

Phía trên bàn thờ sẽ bày quả đào và bánh Trung thu. Người Thái tin làm vậy Bát Tiên sẽ giúp mang đào tới cung trăng để chúc thọ Quan Âm, và các vị thần tiên sẽ ban phước lành cho mọi người.

Bởi vậy, bánh Trung Thu ở Thái Lan có hình dạng giống quả đào. Trong ngày này, người Thái cũng thường ăn bưởi – loại quả tượng trưng cho sự viên mãn, xum vầy và ngọt ngào.

Triều Tiên: Tết Trung thu - Lễ hội đêm Thu

Tết Trung thu ở Triều Tiên còn gọi là "Thu tịch tiết" (lễ hội đêm Thu). Món bánh truyền thống của người Triều Tiên trong dịp này này bánh nướng xốp (muffin). Mọi nhà đều hấp bánh này và biếu tặng cho nhau.

Bánh muffin nướng xốp giống như bán nguyệt - nửa vầng trăng, làm từ bột gạo, bên trong là nhân đậu, mứt, táo,...Vì lúc hấp, đệm lót có sự giãn nở nên có tên gọi như vậy.

Lúc trời bắt đầu tối cũng là lúc người Triều Tiên cùng nhau ngắm trăng. Dưới ánh trăng rằm, họ chơi kéo co, vật hoặc biểu diễn ca múa. Còn các cô gái trẻ sẽ diện bộ trang phục đẹp nhất để tham gia ngày hội. 

Loan Vũ (Tổng hợp)

Ảnh: Internet

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Khám phá Tết Trung thu của các nước châu Á tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Miền Bắc tái diễn nồm ẩm kéo dài

Từ nay đến ngày 21/3, miền Bắc vẫn kéo dài tình trạng mưa phùn sương mù. Độ ẩm tăng cao khiến nồm ẩm trở thành nỗi "ác mộng" của thời tiết Bắc Bộ.