Lớp học đặc biệt của thầy giáo "cầm bút bằng miệng"

Nguyễn Như Quỳnh
Có một người thầy tật nguyền hàng ngày lặng lẽ truyền dạy kiến thức, uốn nắn chữ viết cho học trò nghèo. Đó là thầy Phùng Văn Trường (Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội)- người có kỳ tài viết chữ bằng miệng.

Người thầy "kì lạ"

Duy nhất chỉ còn ngón trỏ tay phải dùng được để giữ cuốn vở, thầy Phùng Văn Trường cúi mặt xuống để viết tặng tôi những nét chữ đẹp như sự nỗ lực đã qua trong cuộc đời mình. Những giọt mồ hôi lấm tấm vương trên gương mặt, dòng chữ “Gian nan cuộc đời nuôi ta lớn – Bao lần vấp ngã dạy ta khôn” hiện lên trên trang giấy trắng.

Thầy kể, những ngày đầu tập cầm bút bằng miệng thầy phải chọc thẳng đuôi bút vào họng để giữ bút, cảm giác buồn nôn không thở được. Mắt cũng bị nhoà do nhìn lâu và quá gần vào trang giấy trắng. 

Thầy Phùng Văn Trường cầm bút viết chữ bằng miệng.

Thầy giáo Trường vốn cũng to khoẻ và bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng đến khi các bạn cùng trang lứa bắt đầu tập đi thì thầy lại không thể đi được, các bác sỹ chẩn đoán mắc bệnh teo, liệt cơ chân tay. Những năm đầu đi học, thầy giáo ấy vẫn cố gắng chống nạng để đi. Đến năm lớp 8, không thể đi được nữa thì đành phải bỏ học ở nhà. Cho đến khi trưởng thành, năm 20 tuổi người thầy ấy mới có chiếc xe lăn đầu tiên và gắn bó cùng nó đến ngày hôm nay.

Niềm đam mê học giống như một ngọn lửa âm ỉ cháy. Noi gương thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký với tài “viết chữ bằng chân”, thầy Trường tự nhủ, thầy Ký làm được thì mình cũng làm được. Thế là tự đặt quyết tâm, thầy nhờ người thân mua giúp sách về học và tập viết chữ từ đây.

Nhìn nét chữ đẹp, gọn gàng không ai có thể nghĩ nó được viết ra bằng cách cầm bút kỳ lạ này.

Khi những nét chữ từ miệng viết ra đã sáng sủa, nắn nót, thầy Trường mới nảy ra ý định dạy viết chữ cho những đứa trẻ gần nhà. "Nhìn đám trẻ ngày càng cẩu thả với chữ viết, tôi thấy bứt rứt nên quyết định uốn nắn chúng", thầy Trường bộc bạch. 

Nghĩ là làm, cuối năm 2009, lớp học nhỏ với 10 (thời điểm nhiều là 15) bạn học sinh được thầy Trường nhận giúp và chỉ bảo cho. Gia đình thầy cũng tạo điều kiện dành một gian nhà cấp 4 để thầy dùng làm nơi dạy chữ.

Lớp học của thầy Trường chủ yếu dạy tập đọc cho học sinh tiểu học và kèm thêm luyện nét chữ. Thời gian học vào buổi trưa hoặc chiều tối, thứ bảy và chủ nhật được nghỉ, thầy dạy cả ngày.

Không dừng lại ở luyện chữ, giờ đây lớp học của thầy còn giảng dạy những kiến thức về toán học, địa lí, xã hội và kỹ năng sống, nên lượng học sinh đến rất đông. 

“Tôi có suy nghĩ, tôi viết được mới bảo được học sinh, dù cháu nào kém đến mấy tôi cũng nhận bảo. Tôi không có được nhiều kiến thức như các thầy cô giáo ở trường nhưng sẽ dạy dỗ hết tâm đức. Tôi không phải là thầy, tôi không muốn người khác gọi mình là thầy. Tôi chỉ muốn làm một người có ích cho xã hội”, thầy tâm sự. 

Giấc mơ ấp ủ của "thầy giáo làng"

Việc thầy Trường mở lớp dạy viết chữ miễn phí lan truyền khắp trong xóm, ngoài làng. Nhiều gia đình từ các làng xa hơn cũng đưa các bạn về nhờ thầy uốn nắn.

Nhiều em đến học nhà thầy Trường không chỉ là tìm đến một thầy giáo thông thường mà còn học thêm được nhiều điều từ người thầy giáo khuyết tật có nghị lực phi thường này.

Một lớp học thu nhỏ, với 4 chiếc bàn được kê ngay tại nhà thầy Trường, thường xuyên tập trung các em học sinh tiểu học về nắn chữ.

Thấy người thầy khuyết tật miệt mài dạy chữ, không thu bất cứ khoản phí gì, nhiều gia đình đã bảo nhau đóng góp thêm, nhưng thầy đều từ chối. Mãi sau này, bà con mới thuyết phục được thầy nhận phí học cho các em để phụ thêm cuộc sống gia đình của vợ chồng trẻ kém may mắn. 

Thầy Phùng Văn Trường ít kể về bản thân mình, nhưng khi hỏi được thầy vẫn lịch sự chia sẻ. Thầy có ra Hà Nội 2 lần để đi khám, bởi bệnh thoái hoá cơ tiến triển mỗi ngày mỗi nặng, nếu không chữa trị được thì tay chân sẽ khô hết, máu không lưu thông, yếu rất nhanh. "Tôi muốn đi khám vì chủ yếu tôi có gia đình, còn nếu chưa có gia đình thì tôi chắc chẳng bao giờ đi khám. Tôi có vợ con nên tôi muốn đi khám xem bệnh của mình có phải di truyền không. May sao, bệnh không di truyền, con tôi sẽ khoẻ mạnh, thế là vui rồi, thầy ngậm ngùi.

Trời không phụ tấm lòng thơm thảo, con trai thầy được hơn hai tuổi và rất ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Cái tên Phùng Thiên Trường Quảng thầy đặt với ước muốn từ người cha là trước khi con viết ra tên của mình thì phải viết ra tên của cha- người đã nỗ lực sống và cho nó sự tồn tại trên đời. Hơn nữa, “Trường Quảng” có nghĩa là dài rộng, như bao người cha- thầy mong cuộc đời con trai sẽ đúng với ý nghĩa của cái tên này.

Khi được hỏi có điều gì thầy mong ước mà cho đến hiện tại vẫn là điều bất khả, thầy bảo muốn có một tủ sách cho các cháu ở vùng nông thôn này, những đứa trẻ cách trung tâm thủ đô chưa tới 1 giờ xe chạy nhưng không có điều kiện được đọc. Sách ở đây là nguồn kiến thức quý giá bởi các cháu luôn đói thông tin, ham đọc nhưng không có tiền mà mua.   

“Tôi không biết còn tự leo lên xe lăn được bao nhiêu năm nữa. Nếu chỉ ngồi được dưới đất thì rất khó dạy học. Có thể vài năm nữa khi tôi bị bệnh tật đánh gục, không còn trên đời này nữa, tôi muốn con tôi lớn lên, được gia đình và làng xóm nói rằng: nó đã có một người cha khuyết tật nhưng vẫn kiếm được miếng ăn nuôi nó lớn. Có một người cha như thế, nó sẽ tự hào và biết trân quý cuộc sống này”, ánh mắt thầy ánh lên niềm hy vọng...

Quỳnh Nguyên

Ảnh: Trần Chung

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Lớp học đặc biệt của thầy giáo "cầm bút bằng miệng" tại chuyên mục Trường Lớp của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Trường Lớp khác

Hành trình kết nối nụ cười

Một buổi sáng đầy ắp tiếng cười và kiến thức bổ ích vừa diễn ra tại trường THCS Trần Quốc Tuấn (quận 7, TP. Hồ Chí Minh) khi chương trình giao lưu “Hành trình kết nối nụ cười” ghé thăm học sinh nơi đây.

"Chiến binh nhí" bảo vệ môi trường

Trước kỳ nghỉ hè, sân trường THCS Lê Quý Đôn (TP. Thủ Đức) và trường Tiểu học Chi Lăng (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) bỗng rộn ràng hơn bao giờ hết khi xuất hiện một nhân vật đặc biệt - chim cánh cụt khổng lồ siêu dễ thương.

Niềm vui ở trường Chi Lăng

Tuần qua, trường THCS Chi Lăng (quận 4, TP. Hồ Chí Minh) đã trở thành điểm đến sôi động của chương trình “Hành trình trở thành công dân toàn cầu” – hoạt động ý nghĩa do Báo TNTP&NĐ và Doanh nghiệp xã hội Cùng Con Đi Khắp Thế Gian tổ chức.