Tuổi thơ cơ cực
Thầy Deep Narayan Nayak lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn ở làng Nandigaon, thành phố Asansol, bang Tây Bengal, Ấn Độ. Gia đình Nayak có 9 người, gồm ông bà nội, bố mẹ, 4 chị gái và Nayak.
Cả nhà trông cậy vào đồng lương ít ỏi của bố Nayak. Vậy nên, từ ngày đầu đến trường, Nayak chưa bao giờ được mặc đồng phục mới hay đọc sách mới. 5 chị em Nayak chỉ được mặc những bộ quần áo cũ, dùng sách vở cũ mà gia đình xin được từ mọi người xung quanh.
Nayak kể lại, cha anh phải làm nhiều công việc để nuôi 9 miệng ăn. Mỗi sáng, ông làm việc tại một cơ quan nhà nước. Đến xế chiều, ông dọn dẹp cho một cửa hàng y tế và làm bảo vệ vào ban đêm.
Họ sống trong một ngôi nhà nhỏ dựng bằng đất, nằm ngoài làng Nandigaon. “Ngôi nhà không có điện. Vì vậy, tôi thức dậy lúc 3 giờ sáng để học. Vào buổi tối, tôi học ngoài đường những lúc bầu trời quang đãng”, Nayak kể.
Khó khăn tài chính khiến các chị gái của anh đều nghỉ học từ lớp 8 và đi làm thêm phụ giúp gia đình. Chỉ riêng Nayak được học đến lớp 10, tương đương hoàn thành chương trình THCS. Hiểu hoàn cảnh gia đình và yêu thích việc học, Nayak luôn chăm chỉ và duy trì thành tích tốt.
Kết thúc năm lớp 10, bạn bè của Nayak chuyển lên thành phố để học ở những trường trung học chất lượng cao. Vì gia đình không đủ điều kiện, Nayak quyết định nghỉ học và đi làm giống như các chị gái. Bên cạnh đó, anh dạy thêm cho những đứa trẻ ít tuổi hơn không được đi học.
Trong lúc Nayak dạy kèm cho trẻ em, một người đàn ông tốt bụng nhận thấy anh rất sáng dạ. Người này đã động viên Nayak đăng ký vào một trường công lập gần đó. Thời điểm này, hầu hết học sinh đều muốn học trường tư nên các trường công ít được biết đến hoặc ít có người đăng ký.
Nghe lời khuyên, Nayak đã nộp đơn và trở thành một trong 3 học sinh của trường. Người đàn ông còn cho Nayak mượn sách giáo khoa và khích lệ Nayak học hết lớp 12. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ban đầu Nayak muốn học hóa nhưng không đủ tiền mua những cuốn sách và dụng cụ thí nghiệm theo chương trình học. Vì vậy, anh đăng ký ngành Thực vật học, vốn yêu cầu ít sách hơn.
Chứng kiến nhiều đứa trẻ trong làng không được đi học hoặc phải bỏ dở việc học, chàng sinh viên Nayak đã ấp ủ hy vọng trở thành giáo viên. Anh mong muốn những đứa trẻ khác, đặc biệt là trẻ em gái, không phải chịu thiệt thòi như anh hay các chị gái.
Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, Nayak thi lấy chứng chỉ sư phạm. Anh trở thành giáo viên tiểu học vào năm 2010 và bắt đầu giảng dạy tại một trường công lập địa phương.
Mong ước mọi trẻ em được học hành
Thời gian đầu làm giáo viên chủ nhiệm, Nayak phát hiện 2 học sinh trong lớp của mình thuộc gia đình cực kỳ khó khăn nên không có sách vở hay bảng tập. Anh đã dành tiền lương để mua sách và bảng mới cho các em.
Con số tăng dần vì những đứa trẻ khác cũng muốn những cuốn sách mới. Hầu hết các em không biết một cuốn sách hay tấm bảng mới trông thế nào.
Từ việc ủng hộ sách vở, đồ dùng học tập mới cho những đứa trẻ trên trường, Nayak dành thời gian đến thăm những ngôi làng trong khu vực. Ở đó, anh bắt gặp nhiều đứa trẻ chưa từng được đi học hoặc phải bỏ dở việc học vì gia đình khó khăn.
Mong muốn giúp đỡ những đứa trẻ này, Nayak đã nghĩ ra một ý tưởng sáng tạo. Nayak tập hợp một nhóm trẻ em không được đến trường và dạy học miễn phí, giao bài tập về nhà. Sau đó, anh sơn những bức tường trong nhà của đám trẻ thành màu đen, giống như một tấm bảng lớn. Khi về nhà, các em sẽ làm bài tập trên “tấm bảng” này.
Dần dần, những phụ huynh mù chữ cũng học theo con cái. Nayak gọi đó là mô hình 3G (3 Generations), nghĩa là dạy cho các thế hệ. Những đứa trẻ, thường là người đầu tiên được đi học trong gia đình, sẽ mang kiến thức về truyền đạt cho cha mẹ, ông bà trên những bức tường sơn màu đen.
Nhận thấy tín hiệu tích cực của hoạt động trên, Nayak bắt đầu sơn những bức tường đất trong làng thành bảng đen và dạy học ngay trên đường phố. Học sinh cầm những cuốn sách giáo khoa, ngồi ngay ngắn trên vỉa hè, mắt hướng lên những bức tường và học đọc.
Ban đầu, nhiều phụ huynh lưỡng lự gửi con đến lớp học này. Nayak đã khuyến khích những đứa trẻ về dạy cha mẹ, ông bà đọc hoặc viết tên của mình. Thấy con cái ham thích học hành và đạt được những tiến bộ nhất định, phụ huynh quay sang ủng hộ thầy Nayak.
“Trẻ em thường dừng học ở lớp 10. Con trai theo cha đi làm thêm còn con gái kết hôn hoặc làm ruộng. Mô hình 3G giúp ngăn chặn điều này. Nó khiến phụ huynh nhận thức những gì họ đã bỏ lỡ và nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục”, thầy Nayak cho hay.
Lớp học ngoài đường
Bắt đầu từ thành phố Jamuria, sáng kiến học ngoài đường phố của Nayak dần mở rộng sang các thành phố khác ở Tây Bengal và Jharkhand. Thầy giáo đã xây dựng một cộng đồng giáo viên chuyên giảng dạy miễn phí trên đường phố với học sinh từ 5 - 50 tuổi.
“Giáo viên phải tìm cách dạy phù hợp với từng lứa tuổi. Chúng tôi có đội ngũ 150 người gồm 50 giáo viên và 100 trợ giảng. Qua đào tạo, các trợ giảng sẽ thành giáo viên. Chúng tôi đến từng làng và chọn giáo viên ở đó vì họ hiểu nhất về những đứa trẻ địa phương”, Nayak chia sẻ.
Mô hình giáo dục đường phố của Nayak là hệ thống đầu tư bằng 0 với lợi nhuận lớn. Chỉ mất 100 rupee, giáo viên có thể biến những bức tường thành bảng đen, biến con đường thành lớp học.
Mô hình giúp thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số cho những đứa trẻ không có khả năng tiếp cận điện, điện thoại hay Internet. Mỗi đứa trẻ được dạy 5 ngôn ngữ gồm tiếng Bengali, tiếng Anh, tiếng Hindi, tiếng Urdu và tiếng Ol Chiki. Các em có thể đọc, nói và viết bằng tất cả 5 ngôn ngữ sau đó trở về hướng dẫn cho cha mẹ, ông bà.
Ngoài thời gian dạy học chính khóa, thầy Nayak dạy miễn phí ngoài đường phố tới 8 giờ tối. Nhiều khi, anh dậy sớm để dạy cho lũ trẻ trước khi đến trường. Bên cạnh dạy học, anh thường mang theo những thực phẩm giàu dinh dưỡng và phân phát cho học sinh.
Tiền mua thực phẩm được trích từ tiền lương của Nayak. Chương trình này đã giúp giảm tình trạng bỏ học, cung cấp thực phẩm bổ dưỡng, chấm dứt tình trạng tảo hôn, thu hẹp khoảng cách giới tính trong giáo dục, trao quyền cho phụ nữ và thay đổi tư duy.
Nayak đặc biệt quan tâm đến giáo dục trẻ em gái vì ngày nay, trẻ em gái Ấn Độ vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản trong giáo dục. Giống như hoàn cảnh của Nayak trước đây, trong gia đình, chỉ anh được đi học vì là con trai còn các chị em gái phải nghỉ học lấy chồng hoặc đi làm sớm. Điều này khiến Nayak nhận thức rõ nhiệm vụ của mình là hỗ trợ trẻ em, tuyên truyền cho các gia đình để nữ sinh có cơ hội giáo dục tốt hơn.
Để tuyên truyền, anh mời những học sinh cũ là con gái trong làng, hiện đã thành đạt, trở về nói chuyện với người dân địa phương. Phụ huynh sẽ kết nối và nhận thức rõ hơn giá trị của giáo dục khi họ thấy những cô bé ngày xưa giờ đã trở nên thành công. Những người này cũng là tấm gương, nguồn động viên để trẻ em gái duy trì học tập.
Thay đổi những mảnh đời bất hạnh
Nhờ nỗ lực của Nayak, nhiều đứa trẻ đã hoàn thành chương trình phổ thông và theo đuổi nhiều lĩnh vực khác nhau như kỹ thuật, điều dưỡng, nghệ thuật... Họ đã rời những ngôi làng nghèo đói để tìm kiếm cơ hội học tập tốt hơn trong thành phố. “Trước đây, trẻ em chỉ ra khỏi làng đi làm thuê hoặc lấy chồng. Nhờ có tri thức, các em có quyền tự do mơ ước và theo đuổi ước mơ của mình”, Nayak cho hay.
Là học trò nhận được sự hỗ trợ từ thầy Nayak trong 7 năm, anh Surojit, 20 tuổi, đã không bỏ học giữa chừng và hiện theo học cử nhân ngành Kỹ thuật. Cha của Surojit làm thuê cho người dân trong làng nhưng nhờ sự động viên của Nayak, ông đồng ý cho con trai tiếp tục học tập.
Surojit sẽ là kỹ sư đầu tiên trong ngôi làng nơi anh lớn lên. “Ở làng tôi, tất cả học sinh đều đợi thầy Nayak đến dạy, nhất là những em nhỏ. Thầy mang cho chúng tôi đồ ăn trưa, món quà rất đặc biệt với những đứa trẻ nghèo đói”, Surojit chia sẻ.
Tương tự, nữ sinh Shalini, sống tại làng Howrah, Tây Bengal, đã rời làng quê để đến Delhi học đại học. Cô gái trẻ muốn theo đuổi ngành Tâm lý học. Trong khi hầu hết nữ sinh bằng tuổi Shalini đã nghỉ học và kết hôn, Shalini, nhờ sự giúp đỡ của thầy Nayak, đã thuyết phục cha mẹ cho tiếp tục việc học.
“Mọi người trong làng tôi đều muốn con gái lấy chồng sớm. Họ cho rằng con gái chỉ nên ra khỏi làng về nhà chồng. Nhờ có thầy Nayak mà tôi có thể đi học tại Đại học Delhi”, Shalini bày tỏ.
Trong tương lai, thầy Nayak mong muốn mô hình của mình có thể mở rộng trên toàn thế giới và giúp tất cả mọi người tiếp cận giáo dục. Năm 2023, thầy nằm trong top 10 “Giáo viên toàn cầu” do Quỹ Varkey hợp tác với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) bình chọn. “Tôi không muốn bất cứ ai phải bỏ học như các chị em của tôi. Tôi muốn đảm bảo mọi bé trai và bé gái đều được học hành”, Nayak nói.
Khi đến trường, tôi thấy những đứa trẻ có hoàn cảnh giống như tôi: Sinh ra trong gia đình đông anh chị em, cha mẹ không có việc làm, dùng sách cũ. Những đứa trẻ này cũng phải chịu thiệt thòi như tôi trong quá trình trưởng thành. Tôi không muốn chúng bước vào vết xe đổ của mình mà có một nền giáo dục tốt hơn. Thầy Nayak
(theo GD&TĐ/BetterIndia)