Người viết cuộc đời bằng thơ

Mạnh Hoài Nam
Trại sáng tác Văn học thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng tổ chức ở TP Tuy Hòa. Nhiều người thật sự xúc động khi biết cô gái Nguyễn Thủy Tiên sinh năm 1991, ở xã An Lĩnh (huyện Tuy An) “đi bằng giường” đến để được gặp, được nghe các nhà văn, nhà thơ trong buổi tọa đàm.

Nguyễn Thủy Tiên đã xuất bản tập thơ Triền sống (Nhà xuất bản Lao Động, năm 2017). Đọc những bài thơ kể lại cuộc đời và nỗi khát vọng về tương lai của Tiên, nhiều nhà văn, nhà thơ trên khắp đất nước cảm động trước nghị lực của cô gái bị bại liệt này.

“Đi bằng giường” đến buổi tọa đàm

Tại resort Sao Mai (TP Tuy Hòa), Hội đồng Văn học thiếu nhi (Hội Nhà văn Việt Nam) vừa tổ chức buổi tọa đàm chủ đề: “Truyện tranh - Tranh truyện cho thiếu nhi”. Tại buổi tọa đàm, nhiều người bất ngờ khi thấy Nguyễn Thủy Tiên nằm trên giường, lắng nghe các nhà văn, nhà thơ tọa đàm. Thủy Tiên tâm sự: Lần đầu tiên em được chụp hình lưu niệm với các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng và em nằm ngửa nhìn thấy khuôn mặt nhà văn, nhà thơ. Ai cũng nhìn em bằng đôi mắt trìu mến, cảm động, chan chứa tình yêu thương.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (bìa phải) tặng quà cho Thủy Tiên

Thủy Tiên cho hay, em bị bại liệt từ nhỏ. Trải qua bao năm tháng, dù nằm một chỗ nhưng Thủy Tiên mải miết yêu thơ và làm thơ. Những bài thơ viết bằng những cơn đau co rút, mong trả nghĩa cho đời, cho người… Ba mất từ lúc Tiên còn nhỏ chưa biết gì. Ba yêu à! Trong cảnh sống mồ côi/ Con đã nhận bao thiệt thòi bất hạnh/ Màn đêm xuống tay ôm ghì di ảnh/ Trời trở mùa: Ba có lạnh không ba? (Thư gửi ba yêu).

Người mời Nguyễn Thủy Tiên từ xã miền núi An Lĩnh xa xôi đến buổi tọa đàm là nhà thơ Nguyễn Bảo Ngọc, Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi đến từ Hà Nội. Nhà thơ Nguyễn Bảo Ngọc cho biết: Tôi biết thông tin Nguyễn Thủy Tiên từ nhà văn Đào Phạm Thùy Trang đến từ Tây Ninh (Đào Phạm Thùy Trang biết Tiên qua facebook). Sau khi bàn bạc, chúng tôi quyết định đưa em “đi bằng giường” đến trại sáng tác. Tức là gọi taxi đến trước nhà, em nằm trên giường xếp đặt trên ghế taxi chở xuống TP Tuy Hòa rồi vô hội trường. “Tôi có dịp tổ chức trại sáng tác trên mọi miền Tổ quốc, trường hợp Nguyễn Thủy Tiên là hiếm gặp và rất cảm động. Nhìn em rồi đọc thơ em mới thấy hết sự đam mê, khát vọng của cô gái tật nguyền”, nhà thơ Nguyễn Bảo Ngọc nói.

Trong buổi tọa đàm “Tranh truyện - Truyện tranh cho thiếu nhi”, thầy cô giáo cùng các em học sinh ở TP Tuy Hòa đều bất ngờ khi gặp Nguyễn Thủy Tiên. Em Hoàng Trần Bảo Trân, học sinh lớp 9C Trường THCS Hùng Vương nói: Em rất thích những bài thơ viết về quê hương, làng xóm, về ông bà, cha mẹ của các nhà thơ trong buổi tọa đàm. Đặc biệt, khi đến đây, em được gặp và được nghe thơ của chị Nguyễn Thủy Tiên. Mỗi vần thơ là tiếng nói từ trái tim, thể hiện nghị lực sống phi thường của chị.

Thủy Tiên (nằm phía trước) chụp hình lưu niệm cùng các nhà văn, nhà thơ buổi tọa đàm. Ảnh: BẢO NGỌC

Mẹ có chân rưỡi nuôi con tật nguyền

Thủy Tiên nói rằng em ao ước được một lần bước đi nhưng đôi chân lại co quắp. Nhà Thủy Tiên dưới chân dốc thôn Phong Thái (xã An Lĩnh), trước mặt là cánh đồng, đêm nằm tiếng ếch nhái kêu lọt lỗ tai. Từ những nỗi niềm, nhiều bài thơ Tiên viết ra thắm tình quê hương: Đất Phú Yên cõng hai mùa mưa nắng/ Thiên tai nhiều dân trĩu nặng tâm tư/ Con trở về trong ký ức lời ru/ Cánh cò liệng giữa trời thu mùa gặt (Mẹ và quê hương)…

Trong lúc chờ xe đưa Thủy Tiên về lại An Lĩnh, bà Nguyễn Thị Nguột (Năm Nguột), 72 tuổi, mẹ của Thủy Tiên, nói rằng mấy chục năm nay bà chưa xa giường Thủy Tiên quá 1 ngày. Lúc nào bà cũng ở bên cạnh Thủy Tiên, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ.

Người mẹ tội nghiệp này chỉ có một chân rưỡi (bên phải đi chân giả từ đầu gối xuống). Quanh năm suốt tháng, bà cũng không đi ra khỏi xã. Nay được ngồi cạnh con xuống thành phố gặp những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, bà Nguột nói: Ngày biết con làm thơ được nhiều người tìm đến chia sẻ, tôi rất mừng vì điều này giúp con tôi vượt qua mặc cảm.

Bà Năm Nguột có 5 người con (4 gái 1 trai), đều có gia đình, chỉ còn Thủy Tiên. Bà đau đáu, sợ mình “đi sớm” con ai nuôi, vì anh chị ở miền núi, đứa nào cũng lo “nồi riêng”. Bà tự an ủi, thôi thì được ngày nào mừng ngày đó, mẹ nuôi con, thương con cả đời.

Thủy Tiên bị tàn tật phải nằm bất động trên giường, nhưng tinh thần cháu đã vịn thơ ca đứng dậy. Nếu sống chỉ để sống như một sự tồn tại thân xác thì những người như Thủy Tiên đã không thể sống nổi đến bây giờ. Nhưng họ đã sống bởi những niềm vui của đời sống này mà thơ ca là một con tàu đưa họ vượt qua giông bão và bóng tối.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Người viết cuộc đời bằng thơ tại chuyên mục Nhịp cầu yêu thương của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Nhịp cầu yêu thương khác

Teen Quảng Trị giao lưu cùng báo Đội

Mới đây, các bạn học sinh trường THCS Nguyễn Du (TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) đã vui mừng chào đón chương trình Giao lưu hưởng ứng phong trào “Đọc và làm theo báo Đội” và trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Vòng tay ấm của báo Đội

Những ngày cuối năm rộn ràng, đoàn công tác của Báo TNTP&NĐ cùng Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã có dịp đến thăm, tặng quà và trao học bổng cho gần 200 học sinh trường TH&THCS Triệu Thượng (điểm trường Trấm), huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

UPU - Tiếp bước em đến trường

Vào một buổi chiều mùa đông se lạnh đầu năm mới, gần 200 bạn học sinh dân tộc thiểu số tại điểm trường Lịch Sơn thuộc trường Tiểu học La Hiên (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) đã được nhận những món quà ấm áp, nghĩa tình từ Ban Tổ chức (BTC)- Ban Giám khảo (BGK) cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU.

Hội chợ tuổi thơ, giúp bạn nghèo vui Tết

“Hội chợ tuổi thơ” giúp các em rèn luyện kỹ năng sống, tinh thần tiết kiệm cho đội viên, thiếu nhi, tham gia tích cực trong các hoạt động tập thể, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và rèn lòng nhân hậu, cảm nhận được niềm vui nhân đôi, hạnh phúc bội phần khi giúp đỡ được người khác.

Ước mơ của trẻ em xóm ngụ cư

Hơn 30 bạn nhỏ đang sinh sống tại các xóm ngụ cư nghèo trên địa bàn quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) đều đặn gặp nhau vào sáng Chủ nhật hằng tuần tại thư viện cộng đồng “Tổ Kiến Nhỏ” (nằm trên đường Quách Đình Bảo, phường Phú Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) để được đọc sách và giao lưu, kết nối...