Những món đồ chơi Trung thu khiến thế hệ 8x, 9x gợi nhớ tuổi thơ

Vũ Hồng Loan
Đèn ông sao, đèn kéo quân, trống bỏi, đầu lân sư tử... là những món đồ chơi Trung thu khiến giới 8x, 9x nhìn lại đều không khỏi rưng rưng nhớ về một tuổi thơ bé nhiều kỷ niệm.

Đèn ông sao

Đèn ông sao là chiếc đèn trung thu quen thuộc với tất cả các thế hệ người Việt mỗi dịp Tết Thiếu nhi về. Dù một số đồ chơi trung thu truyền thống dần mai một nhưng đèn ông sao vẫn hiện hữu và là món quà ý nghĩa dành cho trẻ thơ trong dịp trung thu.

Đèn ông sao có hình ngôi sao 5 cánh, tâm sao gắn một cây nến để thắp sáng là một trong những loại đèn rất được trẻ nhỏ yêu thích dịp Tết Trung thu.

Đèn kéo quân

Một loại đèn chơi Trung thu khác từng rất phổ biến, quen thuộc với trẻ em trong quá khứ là đèn kéo quân. Khác với những loại đèn khác, đèn kéo quân trước đây được làm thủ công cầu kỳ, tỉ mỉ hơn.

Loại đèn này có hình dáng và cách chơi rất thú vị, nhưng đáng tiếc là hiện nay không còn xuất hiện nhiều tại các khu chợ, con phố Trung thu ở Hà Nội hay Sài Gòn nữa. Thay vào kiểu đèn làm thủ công truyền thống, đèn kéo quân ngày nay được lắp thêm một vài thiết bị điện tử, nến, đèn dầu được thay bằng đèn điện chạy pin khiến nó mất đi phần nào sự dân dã.

Đèn cù

Đèn cù hay còn gọi là đèn ông sư - món đồ chơi Trung thu truyền thống có mặt trong thời thơ ấu của rất nhiều thế hệ người Việt Nam. Mỗi dịp đến tết Trung thu là đám trẻ con trong xóm rủ nhau kéo những chiếc đèn cù sáng lấp lánh ánh nến chạy vòng quanh đường làng, sân đình và cười đùa ríu rít.

Để làm được một chiếc đèn cù mất khá nhiều công đoạn, từ chẻ nứa, vót nan đến làm bánh xe, dán giấy màu… Cái tên của chiếc đèn ông sư hay đèn cù xuất phát từ hình dáng của nó, chiếc chao đèn có hình giống mũ hòa thượng và khi kéo đi đèn sẽ quay như cái cù.

Mặt nạ giấy bồi

Ngày nay có còn đứa trẻ nào chơi mặt nạ giấy bồi? Đây chính xác là những sản phẩm thủ công phổ biến, đẹp mắt và ấn tượng bậc nhất mỗi mùa Trung thu trong quá khứ.

Giờ đây, mặt nạ giấy bồi tuy vẫn còn bán trên phố nhưng khá ế ẩm, với sự xuất hiện của mặt nạ bằng nhựa, mặt nạ cao su, với màu sắc, tạo hình sắc nét hơn rất nhiều. Những chiếc mặt nạ giấy bồi này hiện thường chỉ sử dụng để trang trí hoặc để làm kỷ niệm, bày biện trong các gian hàng truyền thông mà thôi.

Trống bỏi

Tiếng "Tạch tạch" đanh gọn vui tai phát ra từ chiếc trống bỏi nhỏ xíu nằm gọn trong lòng bàn tay đã là vật bất ly thân của rất nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam trong dịp tết Trung Thu.

Trống bỏi có nguồn gốc từ làng Báo Đáp (Nam Định) là thứ đồ chơi dân dã, rẻ tiền nhưng vô cùng thân thiện. Chỉ với một chút đất sét, cán gỗ, que sắt, giấy hồng và dây nilon là đã có thể hoàn thiện được một chiếc trống bỏi.

Tò he

Tò he không chỉ là đồ chơi mà nó còn là một nét văn hóa vô cùng đặc sắc. Chỉ với những cục bột màu các loại, dưới bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, trong phút chốc những con giống đáng yêu, ngộ nghĩnh như lợn, gà, chim... hay những nhân vật gắn liền với tuổi thơ các em nhỏ như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới... đã xuất hiện.

Những món đồ chơi ấy tuy nhỏ bé nhưng đã trở thành kí ức đẹp trong tâm hồn của biết bao thế hệ trẻ thơ. Và tò he luôn là món đồ chơi yêu thích của những đứa trẻ, dù ở thành thị hay nông thôn.

Loan Vũ (Tổng hợp)

Ảnh: Internet

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Những món đồ chơi Trung thu khiến thế hệ 8x, 9x gợi nhớ tuổi thơ tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.