Những phát minh công nghệ nổi bật 70 năm qua (Phần 1)

Ngọc Nguyễn
Những công nghệ ra đời từ năm 1950 đã trở thành một phần trong cuộc sống nhiều người.

Năm 1950: Zenith Electronics ra mắt remote TV đầu tiên, được kết nối bằng dây cáp. Website công ty mô tả thiết bị mang tên “Lazy Bones” chỉ có một nút chuyển kênh. Sản phẩm được cải tiến trong những năm tiếp theo với nhiều nút bấm hơn. Đến 1955, Zenith giới thiệu remote không dây có tên “Flash-Matic”.

Năm 1954: Texas Instruments giới thiệu Regency TR-1, chiếc radio bán dẫn đầu tiên được thương mại hóa. Thiết bị có kích thước nhỏ, dễ dàng bỏ túi để mang đi khắp nơi. Theo Smithsonian, đây là sản phẩm chứng tỏ bóng bán dẫn có thể ứng dụng vào thiết bị điện tử tiêu dùng, thay vì chỉ trong quân sự hoặc công nghiệp. Regency TR-1 có giá 50 USD tại thời điểm ra mắt, tương đương khoảng 480 USD ngày nay. 

Năm 1956: IBM trình làng RAMAC, ổ cứng máy tính thương mại đầu tiên, hỗ trợ lưu dữ liệu kỹ thuật số như tài liệu, chương trình máy tính. Theo PCWorld, ổ cứng có dung lượng 5 MB, giá 10.000 USD, kích thước bằng 2 chiếc tủ lạnh. 

Năm 1958: AT&T Bell 101 là modem thương mại đầu tiên cho máy tính. Với khả năng chuyển dữ liệu số thành analog qua đường dây điện thoại rồi dịch lại về dữ liệu số, modem tạo ra cuộc cách mạng về liên lạc và mở đường cho Internet. Ngày nay, modem vẫn được sử dụng với mục đích tương tự.

Năm 1962: Băng cassette đầu tiên được phát minh bởi kỹ sư Lou Ottens của Philips. Kích thước nhỏ gọn khiến cassette trở thành lựa chọn nghe nhạc phổ biến. Dù vậy, định dạng này không còn sức hút khi CD và dịch vụ nghe nhạc trực tuyến xuất hiện. 

Năm 1963: Kỹ sư Douglas Engelbart tạo ra chuột máy tính, làm bằng gỗ và chỉ có một nút. Theo New York Times, một số phiên bản chuột đầu tiên có 3 nút, dù Engelbart cho rằng 10 nút mới hữu ích. Đến nay, đa số chuột máy tính vẫn có 2-3 nút.

Năm 1964: Hệ thống Picturephone của Bell Telephone xuất hiện tại hội chợ World’s Fair, cho phép người dùng vừa nói chuyện bằng ống nghe, vừa nhìn ảnh đối phương qua TV. Thời điểm ấy, mỗi cuộc gọi 3 phút có giá 16 USD (tương đương khoảng 121 USD ngày nay). Ý tưởng của Picturephone cũng là khởi đầu cho tính năng gọi video. 

Năm 1968: RAM (bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên) được phát minh bởi kỹ sư điện Robert Dennard. Đây được xem là một trong những tiến bộ lớn nhất của công nghệ máy tính, và vẫn là thành phần không thể thiếu hiện nay. 

Năm 1971: Các phiên bản đĩa mềm đầu tiên được phát hành. Trước đó, Smithsonian đưa tin kỹ sư Yoshiro Nakamatsu của Nhật Bản đã nhận bằng sáng chế phát minh đĩa mềm trong nước năm 1952, nhưng IBM khẳng định đội ngũ kỹ sư của họ chịu trách nhiệm phát minh vào 1969. Mang tên “đĩa mềm” bởi sản phẩm có vỏ ngoài dễ uốn cong. 

Năm 1973: Kỹ sư Martin Cooper của Motorola phát minh ra điện thoại di động đầu tiên, mang tên DynaTAC 8000X. Ý tưởng nảy sinh khi Cooper cảm thấy bất tiện do phải ngồi vào xe hơi khi cần gọi điện. Do đó, ông muốn tạo ra chiếc điện thoại đặt trong ôtô, nhưng có thể lấy ra và mang đi khắp nơi. Ngày 3/4/1973, cuộc gọi di động đầu tiên diễn ra giữa nhà sáng chế sinh năm 1928 với Joel Engel, nhân viên tại Bell Labs.

Năm 1975: Kỹ sư Steven Sasson của Eastman Kodak phát minh camera kỹ thuật số đầu tiên. Thiết bị nguyên mẫu được chế tạo từ ống kính camera phim, một số linh kiện của Motorola, 16 viên pin và các cảm biến CCD của Fairchild, dùng để chuyển hình ảnh quang học sang tín hiệu kỹ thuật số. 

Năm 1976: VHS (Video Home System) được JVC giới thiệu, cho phép người dùng xem phim ảnh tại nhà. Theo Wired, VHS xuất hiện lần đầu tại Bắc Mỹ trong khuôn khổ triển lãm CES 1977. Đây là định dạng video gia đình phổ biến trong nhiều thập kỷ trước khi “nhường chỗ” cho đĩa DVD và Blu-ray. 

(Theo Bloomberg)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Những phát minh công nghệ nổi bật 70 năm qua (Phần 1) tại chuyên mục Sành của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Sành khác