Mới đây, trang South China Morning Post đã trích dẫn kết luận của Uỷ ban Người tiêu dùng Thâm Quyến về kết quả điều tra các mẫu ốp lưng điện thoại từ 28 thương hiệu có tiếng như Apple, Xiaomi, Huawei,... Kết quả cho thấy 7 mẫu ốp từ 5 thương hiệu Apple, Xiaomi, Tiya, Yuening và Q-Gue chứa chất độc hại vượt quá tiêu chuẩn châu Âu.
Các chất độc hại được tìm thấy chủ yếu là chì, phụ gia làm dẻo và polycyclic aromatic hydrocarbons. Các chất này gây ảnh hưởng không tốt tới một số cơ quan trên cơ thể người và thậm chí là ung thư.
Người tiêu dùng chuộng ốp điện thoại để tránh các tai nạn có thể xảy ra trong quá trình sử dụng cũng như làm đẹp cho "dế cưng" của mình
Đặc biệt, phụ gia làm dẻo trong sản phẩm ốp điện thoại Xiaomi lên tới 17%, cao gấp 170 lần tiêu chuẩn an toàn là 0,1% do giới chức châu Âu áp dụng. Còn sản phẩm ốp điện thoại của Apple có mức polycyclic aromatic hydrocarbons cao gấp 50 lần tiêu chuẩn an toàn.
Thông tin trên đã khiến người dùng hoang mang, đặc biệt là các bạn trẻ - nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng của sản phẩm này.
Đáp lại kết quả trên, thông cáo báo chí của Xiaomi cho rằng không có một tiêu chuẩn công nghệ hoặc quốc gia nào cho sản phẩm ốp điện thoại được áp dụng tại Trung Quốc. Hãng cũng khẳng định đã áp dụng nghiêm ngặt 15 tiêu chí thử nghiệm để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đồng thời cho rằng tiêu chuẩn mà Uỷ ban đang áp dụng để nghiên cứu chỉ phù hợp cho các sản phẩm nhà bếp chứ không nên áp dụng cho sản phẩm ốp điện thoại.
Tuy nhiên Đại diện Hội đồng Người tiêu dùng Thâm Quyến cho rằng trẻ nhỏ thường có thói quen cắn, ngậm vỏ bọc điện thoại nên việc áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt là cần thiết để bảo vệ sức khoẻ người dùng.
Apple chưa đưa ra bất kì bình luận nào về vấn đề này
Trước đó vào năm 2017, chính quyền Mỹ đã thu hồi nhiều loại ốp lưng điện thoại iPhone chứa chất lạ gây bỏng hoặc kích ứng da có nguồn gốc từ Trung Quốc. Điều đáng nói là loại ốp này được bán phổ biến tại Việt Nam.
Huệ Anh (Tổng hợp)