Sự phát triển của thể thao học đường và thể thao phong trào

Ngày 3/6, Tổng cục Thể dục thể thao, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Olympic Việt Nam và Công ty Vietcontent tổ chức Diễn đàn kinh tế Thể thao Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Phát huy tiềm năng của kinh tế thể thao trong thời kỳ đổi mới” tại Hà Nội. 

Diễn đàn Kinh tế thể thao Việt Nam 2023 - Việt Nam Sport Economy Summit 2023 được tổ chức với mục tiêu tạo ra “một diễn đàn mở”,  quy tụ những quan điểm, ý kiến, chia sẻ, kinh nghiệm quý báu toàn diện từ các cơ quan tổ chức, cá nhân về các vấn đề liên quan đến quản lý và phát triển nền kinh tế thể thao Việt Nam cả ở thời điểm hiện tại lẫn trong tương lai.

Tại Diễn đàn, những lát cắt về các vấn đề trong kinh tế thể thao được gợi mở với phần trình bày, bàn luận của các nhà chuyên môn, các diễn giả dựa trên cơ chế chính sách về thể thao; thực trạng thể thao Việt Nam; dòng tiền trong kinh tế thể thao với trung tâm là giải đấu thể thao; kinh nghiệm và bài học thành công từ các mô hình kinh tế thể thao ở các nước trên thế giới; các giải đấu phong trào và những vấn đề liên quan đến thể thao học đường...

Thể thao học đường và thể thao phong trào: Chủ đề được quan tâm tại phiên 3 Diễn đàn Kinh tế thể thao Việt Nam 2023

Giải đấu thể thao phong trào, thể thao học đường và những vấn đề liên quan là một trong những phiên thảo luận chính, được các chuyên gia thể thao cũng như các khán thính giả vô cùng quan tâm. 

Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) Trần Văn Lam chia sẻ về chính sách của nhà nước đối với thể thao học đường: "Sau nghị quyết 29, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa thể thao tự chọn vào môn giáo dục thể chất, xây dựng hệ thống từ tiểu học tới trung học phổ thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các hoạt động thể thao học sinh-sinh viên theo hướng chuyên nghiệp, đồng thời phối hợp tổ chức cùng với liên đoàn để đảm bảo tính chuyên môn. Bộ cũng ký kết hợp tác với các kênh truyền thông, đài truyền hình để đưa các sản phẩm thể thao tới xã hội, đặc biệt là với đối tượng học sinh sinh viên.

Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) Trần Văn Lam trao đổi tại diễn đàn 

Ví dụ như thương hiệu sữa Milo đã đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo gần 30 năm trong gần như tất cả các hoạt động thể thao của học sinh. Chúng tôi cũng mong muốn sẽ có nhiều đơn vị, nhãn hàng như vậy đến với học sinh - sinh viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải là đơn vị kinh doanh, nhưng muốn tạo điều kiện để các học sinh được thụ hưởng.

Trong những năm qua, có 3 điểm thành công nhất tôi xin được trao đổi ở đây là: Nâng cao sức khỏe, thể trạng và tầm vóc của học sinh Việt Nam, hình thành nhân cách của các em. Thứ hai là tạo ra một sân chơi lành mạnh, một môi trường an toàn để thu hút học sinh, sinh viên tham gia tập luyện, thi đấu để rèn luyện bản thân, ý thức và trách nhiệm cũng như kỹ năng sống. Thứ ba là phát hiện, bồi dưỡng các tài năng và năng khiếu thể thao, bổ sung lực lượng VĐV thành tích cao cho thể thao nước nhà. Đó là 3 mục tiêu cốt lõi nhất mà chương trình giáo dục thể thao thể chất học đường hướng tới".

Nhà báo Nguyễn Phan Khuê, Tổng Biên tập Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Đồng chia sẻ về công tác truyền thông cho thể thao học đường và tổ chức các giải đấu phong trào: "Phát triển kinh tế báo chí cũng như kinh tế thể thao luôn song hành cùng nhau. Báo Thiếu Niên Tiền Phong & Nhi Đồng từ nhiều năm qua không chỉ làm công tác chuyên môn cho các em mà còn tạo ra các sân chơi, những hoạt động thể dục thể thao vừa mang tính chất phong trào, vừa là nơi để các chuyên gia, nhà chuyên môn phát hiện ra mầm non thể thao.

Nhà báo Nguyễn Phan Khuê, Tổng Biên tập Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Đồng chia sẻ tại diễn đàn

Mới đầu, chúng tôi cũng gặp khó khăn khi huy động các nhà tài trợ. Tuy nhiên, các hoạt động thể thao của chúng tôi đều được các doanh nghiệp quan tâm, nhưng tôi mong mỏi hơn cả là sự đồng hành của các doanh nghiệp trên đường dài. Bên cạnh đầu tư về mặt tài chính, chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm tới công tác chuyên môn. Chúng tôi luôn tìm đến những người giỏi nhất trong lĩnh vực để nhờ tư vấn, định hướng đường dài để giải đấu đi đúng hướng. Chính vì vậy, các giải đấu dành cho trẻ em như U11 hay U13 đã có 27 năm được tổ chức, dài nhất trong hệ thống thi đấu của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Tất cả đều xuất phát từ sự kiên trì từ những điều nhỏ nhặt nhất".

Về sự phát triển của thể thao phong trào, Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ quan điểm đối với bộ môn chạy bộ, một trong những môn thể thao phong trào phát triển nhất tại Việt Nam: "Chạy bộ là môn thể thao rất phổ cập, phù hợp với mọi lứa tuổi và tốt cho sức khỏe. Các nhà tài trợ cũng có thể chia sẻ trang phục, giày cho các hội nhóm tham dự các giải đấu và có cơ hội quảng bá cho hàng chục nghìn người thông qua một giải đấu. Thậm chí, chúng ta có thể kết hợp giữa chạy bộ và thể thao du lịch.

Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng

Rất nhiều địa phương hiện đang chú trọng về bộ môn chạy bộ để phát triển du lịch. Những hình ảnh của các runner có thể lan tỏa tới đông đảo người dân Việt Nam và cả thế giới. Các giải chạy bộ đã trở thành xu hướng của các tỉnh để quảng bá, như tại Hậu Giang, Quảng Ngãi, Hà Giang, Cao Bằng và trở thành thương hiệu để quảng bá của các địa phương.

Trong tương lai, chúng tôi sẽ xây dựng các bài tập hướng dẫn để những người tham gia có thể tham gia lâu dài. Chúng tôi cung đang xây dựng những tiêu chuẩn cho các giải đấu để đảm bảo những yêu cầu về y tế, an ninh, hạn chế những rủi ro trong quá trình tổ chức giải. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức các lễ vinh danh, khen thưởng để kích lệ các runner".

Thông qua Diễn đàn, những nhà quản lý, chuyên gia thể thao tại Việt Nam mong rằng những đóng góp về góc nhìn, quan điểm và phương thức xử lý các vấn đề lớn trong quản lý, xây dựng, thiết lập nền kinh tế thể thao Việt Nam sẽ được các lãnh đạo ngành, các bộ, ngành liên quan lắng nghe, cùng đồng hành với các hội thể thao quốc gia, từ đó hoạch định ra tầm nhìn chiến lược cho nền kinh tế thể thao tại Việt Nam, tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyên nghiệp hóa-xã hội hóa thể dục thể thao để xây dựng một nền kinh thế thể thao Việt Nam vững chắc, hiện đại và cởi mở trong thời kỳ đổi mới.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Sự phát triển của thể thao học đường và thể thao phong trào tại chuyên mục Sự kiện của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Sự kiện khác

Anh Nguyễn Tường Lâm được chọn cử làm Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam

Tại Hội nghị Ủy ban T.Ư Hội LHTN Việt Nam lần thứ nhất khóa IX, nhiệm kỳ 2024 – 2029, anh Nguyễn Tường Lâm – Bí thư T.Ư Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam, Phó Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam khóa VIII, được tín nhiệm chọn cử làm Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2024 – 2029.

Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX

Sáng 17/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (TP. Hà Nội), đã diễn ra lễ khai mạc phiên thứ nhất Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX nhiệm kỳ 2024 – 2029 với khẩu hiệu hành động: “Thanh niên Việt Nam Yêu nước – Khát vọng – Đoàn kết –Tiên phong – Sáng tạo - Tự tin bước vào kỷ nguyên mới”.