Tin giáo dục hôm nay 17.9: “Nghịch lý" học sinh vùng nông thôn mới xin chuyển trường sang vùng khó khăn chỉ để được hưởng trợ cấp.

An Hảo
Tin giáo dục hôm nay 17.9: Chỉ vì không được hưởng chế độ trợ cấp khi học đúng tuyến mà hàng loạt học sinh ở bản Tát Hẹ, xã Ẳng Nưa thuộc huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên xin được chuyển trường về vùng khó khăn.

Tin giáo dục hôm nay được biết, vốn là những học sinh thuộc vùng đặc biệt khó khăn nhưng không được hưởng trợ cấp xã hội khi học đúng tuyến nên tất cả 16 học sinh THCS tại bản Tát Hẹ, xã Ẳng Nưa – mới được xếp vào vùng nông thôn mới, đã đồng loạt xin chuyển trường sang học tại xã Ẳng Tở và Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) – vì đây là các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới.

Điểm trường bản Tát Hẹ - Trường Tiểu học xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng.

Trước sự việc học sinh đồng loạt xin chuyển trường, đại diện Phòng GD&ĐT huyện Mường Ảng tỉnh Điện Biên cho biết, Phòng GD&ĐT không quy định học sinh phải học theo tuyến, và không ngăn cấm việc học sinh có nguyện vọng muốn chuyển trường. Nhưng nếu số lượng học sinh xin chuyển quá nhiều sẽ gây ra hiện tượng mất cân bằng trong giáo dục, và không đảm bảo về quy mô trường lớp thì phòng cũng sẽ phải xem xét thêm.

“Tuy nhiên, việc đảm bảo quyền lợi chính đáng cho học sinh cũng là yếu tố để chúng tôi cân nhắc khi đưa ra quyết định” - lãnh đạo huyện Mường Ảng cho biết.

Theo lý giải của Phòng GD&ĐT huyện Mường Ảng, nguyên nhân xảy ra tình trạng nhiều học sinh xin chuyển trường nêu trên là do: Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 433/QĐ-UBDT của Ủy ban Dân tộc thì đối tượng học sinh cấp tiểu học và THCS thuộc bản Tát Hẹ, xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng) sẽ không được hưởng chế độ hỗ trợ đối với học sinh bán trú nếu học tại xã Ẳng Nưa hoặc các xã khu vực I theo cách phân vùng mới. Quyết định này sẽ có hiệu lực thực thi từ năm học 2021-2022.

Học sinh nghèo ở xã nông thôn mới ồ ạt xin chuyển trường

Ngoài việc được hưởng các khoản hỗ trợ như chi phí học tập, miễn giảm học phí theo quy định thì học sinh tiểu học và THCS thuộc bản Tát Hẹ còn được hưởng các chế độ của học sinh bán trú theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP với mức hỗ trợ là 596.000 đồng và 15kg gạo/tháng. Nhưng từ năm học 2021-2022, xã Ẳng Nưa được xếp vào vùng nông thôn mới nên nếu tiếp tục học tại cơ sở của xã Ẳng Nưa thì các em sẽ không được hưởng các chế độ này nữa.

Trường hợp học sinh tiểu học còn nhỏ, bố mẹ chưa thể cho con đi học nhờ ở các xã khác để được hưởng chế độ, nên các em phải học tại điểm trường ở bản và không được hưởng trợ cấp nên cũng đang gặp không ít khó khăn.

Theo chia sẻ của giáo viên Trường Tiểu học xã Ẳng Nưa, điểm trường bản Tát Hẹ thì người dân thuộc bản Tát Hẹ sinh sống ở 2 khu vực A và B cách nhau khoảng 3km. Vì không có chế độ ăn bán trú nên buổi trưa nếu để học sinh về nhà ăn cơm thì buổi chiều học sinh ở khu B sẽ không đến lớp nữa, con đường đến trường của các em khá xa và còn rất nhiều gian nan thử thách.

Bí thư Chi bộ bản Tát Hẹ, ông Lý Giống Khá cho biết: Bản Tát Hẹ là bản thuộc diện đặc biệt khó khăn nhưng hiện tại đang được xếp vào khu vực nông thôn mới. Nếu học sinh của xã Ẳng Nưa đi học tại địa phương thì phải tự túc nấu ăn và không được hưởng các chế độ trợ cấp của vùng đặc biệt khó khăn nên nhiều cháu mới phải xin chuyển trường, học nhờ để được hưởng các chế độ.

Việc phân chia khu vực địa lý của các xã thuộc vùng nông thôn mới là cách để tạo động lực thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển nhưng đây đó vẫn còn tồn tại những khó khăn bất cập mà chúng ta cần phải đi sâu tìm hiểu mới thấy rõ hết được.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bài liên quan

Bài Tuyển Sinh - Du Học khác

Những ngành học được miễn, giảm học phí

Chính sách miễn, giảm học phí của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiếp cận giáo dục và giảm bớt gánh nặng tài chính đối với các học sinh, sinh viên và gia đình.