Tranh cãi quanh “Giáo dục cởi trần” - Phương pháp lạ tại một số nơi trên thế giới

Huệ Anh
Mặc dù nhiều người không đồng tình nhưng phương pháp “giáo dục cởi trần” đã được áp dụng suốt 40 năm qua tại một trường mẫu giáo ở Nhật Bản và Nga.

40 năm giữ vẹn truyền thống ở Nhật Bản

Phương pháp “giáo dục cởi trần” đã được thực hiện từ năm 1975 và giữ nguyên vẹn truyền thống trong suốt 40 năm qua ở trường mẫu giáo Hikari (thành phố Kawasaki, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản). Phương pháp này còn được nhấn mạnh trên trang web của trường như sau: “Trường mẫu giáo sử dụng chữ Hán và cởi trần để bồi dưỡng tâm hồn”.

Trải qua 40 năm thực hiện, nhà trường khẳng định rằng đó là một phương pháp đúng đắn bởi sinh mạng con người được bắt đầu từ tự nhiên, chỉ khi trẻ em được ở trong trạng thái loã thể gần gũi với thiên nhiên nhất thì trí não mới có thể mở rộng và phát huy hết khả năng. Với kiểu “huấn luyện này”, trẻ em sẽ nâng cao sức đề kháng, phát triển thể lực, rèn luyện tính kiên trì ngay từ khi còn bé.

Phương pháp giáo dục kỳ lạ tại Nhật Bản khiến nhiều người kinh ngạc và tỏ ra hoài nghi về tác dụng thật sự mà nó mang lại

Theo nội quy của trường, toàn bộ học sinh phải chỉ được mặc quần lót trong khuôn viên trường học từ tháng 4 đến tháng 10. Các bé sẽ được mặc quần áo khi rời khỏi trường, bị ốm hoặc một số trường hợp đặc biệt. Từ tháng 11 đến tháng 3, các bé được mặc thêm một áo đồng phục mỏng, cộc tay và không thêm bất kỳ loại áo len hay áo khoác nào khi ở trường.

“Giáo dục cởi trần” là hoạt động rèn luyện thân thể ở Nga

Không chỉ Nhật Bản, phương pháp “giáo dục cởi trần” cũng được áp dụng tại Thuỵ Điển hay một ngôi trường mẫu giáo ở thành phố Barnaul (Siberia, Nga). Khi nhiệt độ chỉ ở mức -10 độ C, mọi thứ đều bị bao phủ bởi băng tuyết thì các em nhỏ sẽ được mặc đồ bơi, khởi động kỹ càng dưới sự hướng dẫn của người lớn để làm ấm cơ thể và... dội nước lạnh lên người.

Hoạt động này diễn ra một cách tự nguyện và trẻ em Nga tỏ ra thích thú với nó

Được biết, đây là một trong những phương pháp đặc biệt để rèn luyện thân thể, tăng khả năng chống chọi lại cái lạnh khắc nghiệt trong mùa đông ở vùng này.

Hiệu trưởng Olesya Osintseva cũng lý giải thêm rằng: “Sau 6 tháng tập đổ nước lạnh lên người khi trời lạnh, các em có biểu hiện chống chọi tốt hơn với bệnh tật”.

Có nên áp dụng phương pháp “giáo dục cởi trần” với học sinh mẫu giáo?

Mới đây, một tài khoản Twitter đã “đăng đàn” chỉ trích phương pháp giáo dục của trường tiểu học Hikari khiến cho ngôi trường này rơi vào luồng tranh luận của cư dân mạng. Phần lớn người dân cho rằng “giáo dục cởi trần” sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ và tâm lý của trẻ nhỏ và chia sẻ thêm rằng: “Nếu bạn là một bậc cha mẹ tốt, bạn nhất định sẽ không gửi con đến ngôi trường như vậy!”, “Xã hội bây giờ có rất nhiều kẻ xấu, nó thật sự rất nguy hiểm khi bọn trẻ đi lại trần truồng như thế!”,...

"Mặc dù tôi không chắc chắn về việc trường có loã thể thực sự hay không, nhưng việc để các bé gái cởi trần trước mặt các bạn khác giới sẽ tạo thành bóng ma tâm lý không hề nhỏ. Bên cạnh việc các em đồng ý thì đây cũng không nên là việc để trẻ tự cân nhắc chọn lựa. Xã hội bây giờ rất phức tạp, các em có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào nếu cứ đi lại cởi trần như vậy. Theo tôi, một trường học hiện đại thì không nên áp dụng phương thức này...", tài khoản @nohohononon viết.

Bên cạnh đó, một nhóm khác cũng chỉ ra nhiều bé đã khỏi hẳn căn bệnh hen suyễn sau một thời gian dài áp dụng phương pháp này, điều đó có nghĩa là nó có lợi thật sự. Một cựu học sinh từng học tại trường mẫu giáo Hikari cũng nói rằng, trường học tốt đến từng em học sinh và bạn ấy cảm thấy rât vui khi được đến trường mỗi ngày.

Một kết quả khảo sát đáng ngạc nhiên khác ở Nga cũng chứng minh điều Hiệu trưởng Olesya Osintseva nói và củng cố thêm niềm tin về phương pháp “giáo dục cởi trần”. Theo đó, chỉ có 5% số trẻ tắm nước lạnh bị ốm, trong khi đó, 25% số trẻ không dội nước lạnh mắc bệnh. Và hoạt động này được diễn ra một cách tự nguyện.

Vậy bạn thì sao, có nên áp dụng phương pháp giáo dục này với trẻ nhỏ?

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Tranh cãi quanh “Giáo dục cởi trần” - Phương pháp lạ tại một số nơi trên thế giới tại chuyên mục Chuyển động của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Chuyển động khác