Năm 2012, nam sinh Vương Thiện Huy đến từ TH Thực hành, Đại học Sư phạm TPHCM đã có màn thi đấu xuất sắc tại vòng thi tuần 1 tháng 3 quý 4 Đường lên đỉnh Olympia. Vượt qua 3 thí sinh khác là Nguyễn Kim Như (THPT Chuyên Hạ Long, Quảng Ninh), Nguyễn Kim Ngân (THPT Yên Hoà, Hà Nội) và Bùi Văn Thường (THPT 19 Tháng 5, Hoà Bình), Thiện Huy đã giành vòng nguyệt quế tuần với số điểm 240, qua đó tiến vào vòng thi tháng. Tuy nhiên tại vòng thi này, may mắn đã không mỉm cười với anh chàng
Rời Đường lên đỉnh Olympia, anh chàng đi du học ngành Quản trị kinh doanh - Xã hội học theo diện học bổng. Tuy nhiên, việc học tập của Huy chưa dừng lại ở đó…
Năm 2014, khi đang du học ở Nhật Bản, Vương Thiện Huy nhận được cuộc điện thoại từ lãnh sự quán thông báo việc cấp VISA sang Mỹ định cư. Sau nhiều ngày suy nghĩ, cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia đã quyết định sang Mỹ học tập để tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học từ những ngày phổ thông.
Tại Mỹ, Thiện Huy theo học tại trường Cao đẳng Cộng đồng Pasadena, bang California và có 2 bằng về Toán và Vật Lý. Trong thời gian học, Huy làm thêm gia sư trong trường và tham gia khóa nghiên cứu hè 10 tuần ở Viện ĐH California - Berkeley. Đây là viện đại học đầu tiên và nổi tiếng nhất của hệ thống Viện Đại học California, một trong ba hệ thống giáo dục công lập của tiểu bang, bao gồm hệ thống California State University và California Community College.
Nhờ việc học tập không ngừng nghỉ và những kinh nghiệm nghiên cứu khoa học thực tiễn, Vương Thiện Huy được nhận vào thực tập dài hạn (Year-round Internship) tại phòng thí nghiệm tên lửa đẩy của NASA (JPL - Jet Propulsion Lab) - Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ. Đây là cơ quan Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ có trách nhiệm thực thi chương trình thám hiểm không gian và nghiên cứu ngành hàng không.
Tại NASA, Huy tham gia nghiên cứu, cải tiến kính viễn vọng không gian nhìn xa và rõ hơn. Tháng 1/2018, cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia công bố một thuật toán giải phương trình vi phân nhanh, hiệu quả tại một trong những hội thảo toán lớn nhất nước Mỹ - Joint Mathematics Meeting (JMM) và giành giải xuất sắc (top 15%).
Bước đầu chinh phục thành công cơ hội tham gia nghiên cứu những vấn đề có ích cho cộng đồng, Huy đang nỗ lực tiến gần hơn với ước mơ từ thời lớp 9 của mình - trở thành một phi hành gia.