Mặc dù các ứng dụng đã bị gỡ bỏ khỏi kho ứng dụng chính thức, nhưng nếu người dùng đã cài đặt trước đó, chúng vẫn tiếp tục tồn tại và hoạt động trên thiết bị. Đáng chú ý, các ứng dụng này không tự động biến mất mà phải được người dùng chủ động gỡ bỏ thủ công.

Theo các chuyên gia, IconAds sử dụng nhiều thủ thuật đơn giản nhưng tinh vi như đổi tên, sao chép biểu tượng của các ứng dụng hợp pháp để đánh lừa người dùng. Sau khi được cài đặt, các ứng dụng này sẽ chạy ngầm, phát sinh lượt hiển thị giả, hiển thị quảng cáo ẩn và gian lận thanh toán từ các nền tảng quảng cáo.
Người dùng Android được khuyến cáo cần thường xuyên kiểm tra danh sách ứng dụng trên điện thoại, gỡ bỏ những ứng dụng không rõ nguồn gốc, không có biểu tượng hoặc có tên gọi mơ hồ, ít lượt tải. Nếu phát hiện ứng dụng tự động chuyển hướng đến website lạ, cần xóa ngay lập tức. Ngoài ra, nên đảm bảo tính năng Google Play Protect đang được bật và hệ điều hành luôn cập nhật bản vá mới nhất.
Đây không phải lần đầu Google đối mặt với những ứng dụng giả mạo như vậy. Trước đó, các chiến dịch tương tự với tên gọi HiddenAds, BADBOX cũng đã được phát hiện. Dù không trực tiếp đánh cắp dữ liệu hay mã hóa thiết bị, những ứng dụng này vẫn gây tổn hại nghiêm trọng đến hiệu suất máy và lòng tin của người dùng đối với hệ sinh thái Android.