1. Hãy tập nghe với những chủ đề yêu thích, khơi gợi cảm xúc
Nghe tiếng Anh với những chủ đề yêu thích sẽ làm cho việc tiếp thu trở nên nhẹ nhàng và dễ dàng, học mà tưởng như chơi, hứng thú và cảm hứng của bạn luôn ở mức cao, đây là điều kiện cần thiết để bạn có thể duy trì thói quen nghe tiếng Anh hằng ngày. Hãy giành 1 chút thời gian tìm kiếm những đoạn phim trên youtube về chủ đề bạn yêu thích bằng tiếng Anh và nghe nó với tất cả sự hứng thú.
Một trong những thể loại video thích hợp để học tiếng Anh là những chương trình truyền hình thực tế cực kì hấp dẫn của các nước như Mỹ, Anh, Úc.
Các chương trình thực tế trên được thiết kế và dàn dựng để lúc nào cũng kịch thích, cuốn hút sự chú ý của người xem trong từng tập, cho nên đảm bảo rằng các bạn sẽ cảm thấy cực kỳ hào hứng và sẽ xem chúng không mệt mỏi luôn đấy.
Một số chương trình thực tế nổi tiếng của Mỹ rất phù hợp cho việc học tiếng Anh.
Khi xem để đạt hiệu quả cao nhất, lý tưởng là các bạn không xem phụ đề, không được cố gắng dịch từng câu nghe được sang tiếng Việt, cố gắng đoán ý nghĩa qua tình huống và ngữ cảnh, nếu vẫn không hiểu được thì có thể ăn gian bằng cách bấm vào ô “cc” trên youtube để hiện thị phụ đề tiếng Anh tự động với độ chính xác tầm 90%.
Ngoài các chương trình thực tế, các bài nói chuyện của các diễn giả nổi tiếng cũng mang lại nhiều cảm xúc tích cực trong bạn. Chúng khiến bạn càng xem càng ghiền và học được rất nhiều để hoàn thiện bản thân.
2. Chọn nội dung nghe phù hợp với trình độ
Nghe nhiều thì tốt thật nhưng nếu nội dung nghe quá khó, chủ đề quá chuyên sâu thì việc nghe nhiều chỉ dừng lại ở mức là quen với các âm, tuy nhiên nếu nghe mãi mà không hiểu trong một thời gian dài thì sẽ sinh ra chán nản, thậm chí ám ảnh sợ tiếng Anh luôn.
Với một đứa trẻ bản xứ nói tiếng Anh 4 tuổi, không ai cho nó tập nghe bằng cách cho nó chương trình CNN giờ cao điểm, hoặc đọc Harry Potter cho nó nghe cả, mà thay vì đó chọn những nội dung đơn giản, phù hợp với trình độ.
Khi nghe một nội dung, lý tưởng để phát triển kỹ năng nghe hiểu là bạn phải hiểu được 80% nội dung đó.
3. Nghe, đọc và lặp lại
Đây là một trong những kĩ thuật cực kì hiệu quả mà bất cứ người giỏi Tiếng Anh nào cũng biết và áp dụng rất nhiều. Kỹ thuật này rất đơn giản, đúng như tên gọi của nó: Nghe, đọc và lặp lại.
Đầu tiên khi nghe một nội dung, hãy cố gắng nghe, không dịch sang tiếng Việt, cố hiểu các ý chính. Sau đó vừa nghe vừa đọc lại transcript (bản ghi lại những từ được nói trong bài nghe).
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng đây là 1 quá trình hết sức quan trọng, khi vừa nghe vừa đọc lại, não bộ sẽ ghép âm nghe được của từ với lại các ký tự của từ đó, quá trình này giúp chúng ta ôn lại các từ đã biết, học thêm các từ mới dưới dạng âm thanh, và chuyển dần nhiều từ từ vốn từ vựng thụ động sang vốn từ vựng chủ động.
4. Nghe và bắt chước từ thần tượng
Daniel Craig là một trong số những diễn viên với câu thoại trong phim rất nổi tiếng.
Bạn có thần tượng diễn viên, ca sĩ, diễn giả, hay nhân vật nào (nói tiếng Anh nhé) hay không? Nếu có thì quá tuyệt vời, bắt chước nhân vật đó là một nguồn cảm hứng lớn lao để cải thiện khả năng nghe tiếng Anh đấy nhé! Việc bắt chước ngữ điệu của thần tượng, nói lại sẽ giúp chúng ta vừa nhớ được từ mới lại học được cách nhấn nhá trọng tâm trong từng câu chữ.
Mọi thứ ta nghe được nên viết ra giấy. Phương pháp này đòi sự quyết tâm và kiên trì rất lớn, bởi vì với bài nghe 3 phút bạn có lẽ phải nghe đến 10 – 20 lần mới có thể nghe và chép lại tầm 80% – 90 nội dung.
Tuy nhiên sự đền bù là rất xứng đáng, bạn sẽ học thuộc những từ mới rất nhanh, kỹ năng viết, và chính tả cũng cải thiện đáng kể. Phương pháp này rất phù hợp cho những bạn hướng đến thi các chứng chỉ đòi hỏi kỹ năng viết như TOEFL, IELTS.
5. Đoán từ tiếng Anh
Đoán từ là một trong những kỹ năng quan trọng trong việc học ngôn ngữ.
Khi nghe tiếng Anh ai cũng muốn tự tin nghe được 100%. Nhưng với một người không phải bản xứ học tiếng Anh, việc kì vọng hoàn toàn tự tin nghe hiểu là rất khó, do đó kỹ năng đoán là hết sức cần thiết. Chúng ta có thể đoán những gì sắp sửa được nghe dựa theo tình huống, đoán ý chính của cả đoạn, đoán từ không nghe được và có khi là đoán mò. Việc làm này sẽ hỗ trợ ta rất nhiều trong quá trình làm bài kiểm tra tiếng Anh hoặc bắt nhịp giao tiếp với người bản xứ.
Không có con đường tắt nào để học tốt tiếng Anh, điều quan trọng là bạn phải tạo được niềm đam mê thực sự, khơi gợi tình yêu ngoại ngữ trong bạn và hiểu đúng tầm quan trọng của của nó. Có như vậy bạn mới thực sự tập trung và giành nhiều thời gian để kiên nhẫn học hỏi, rèn luyện, biến những bí quyết ấy thành công cụ giúp trình độ tiếng Anh của bạn tiến xa hơn mà thôi.
Ngọc Hà (Tổng hợp)