Hiện tại, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản khẩn chỉ đạo các đơn vị y tế trong ngành, các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thành phố tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi. Đồng thời, khuyến cáo bệnh nhân và người nhà bệnh nhân sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân và vệ sinh phù hợp; tăng cường vệ sinh tay, kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh phòng, khu vực khám bệnh, cấp cứu hồi sức tích cực và các khu vực khác trong bệnh viện.
Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện phân loại bệnh nhân ngay tại khu vực phòng khám và có biển chỉ dẫn tại cổng bệnh viện; bố trí khu điều trị cách ly theo quy định và tổ chức điều trị tốt cho bệnh nhân, bảo đảm chuyển tuyến an toàn, tránh lây nhiễm; khuyến cáo người bệnh, người nhà bệnh nhân sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân và vệ sinh phù hợp...
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng tiến hành rà soát điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất, vật tư y tế để bảo đảm công tác điều trị bệnh sởi.
Các bệnh viện tăng cường công tác khám và điều trị cho các bệnh nhân mắc sởi; tổ chức tập huấn các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi do Bộ Y tế ban hành cho nhân viên có tham gia chẩn đoán và điều trị bệnh sởi, đặc biệt là khu vực phòng khám, khu cấp cứu, điều trị bệnh nhân sởi.
Biến chứng của bệnh sởi vô cùng nguy hiểm, cần được phát hiện và điều trị sớm - ảnh minh họa
Ngoài ra, bệnh sởi biểu hiện dưới 2 dạng: Thể điển hình và thể không điển hình.
Đối với thể điển hình có 4 giai đoạn bệnh:
Giai đoạn ủ bệnh từ 7-21 ngày (trung bình 10 ngày).
Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long): Từ 2 đến 4 ngày với các biểu hiện: người bệnh sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp, có thể thấy hạt Koplik là các hạt nhỏ có kích thước 0,5-1 mm màu trắng/xám có quầng ban đỏ nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên).
Giai đoạn toàn phát kéo dài từ 2-5 ngày: Thường sau khi sốt cao 3-4 ngày, người bệnh bắt đầu phát ban, ban hồng dát sẩn, khi căng da thì tan biến mất, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ, dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.
Giai đoạn phục hồi: Ban nhạt màu dần rồi sang màu xám, bong vẩy phấn xẫm màu, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự như khi xuất hiện. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Có thể có ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban.
Ở thể không điển hình:
Biểu hiện lâm sàng có thể sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ, phát ban ít, toàn trạng tốt. Thể này dễ bị bỏ qua, dẫn đến lây lan bệnh mà không biết.
Người bệnh cũng có thể sốt cao liên tục, phát ban không điển hình, phù nề tứ chi, đau mỏi toàn thân, thường có viêm phổi nặng kèm theo.
Các biểu hiện lâm sàng của bệnh sởi gồm: Ho, sốt, viêm long (đường hô hấp, kết mạc mắt, tiêu hóa), hạt Koplik và phát ban đặc trưng của bệnh sởi.
Bệnh sởi vô cùng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra các biến chứng như:
Viêm phổi:Thường là do bội nhiễm vi trùng khác như: phế cầu, liên cầu, tụ cầu Hemophilus Influenzae.
Lao: Sời làm tăng nguy cơ trầm trọng bệnh lao tiềm ẩn và làm gia tăng mức độ lao sơ nhiễm.
Viêm tai giữa: Sốt cao, quấy khóc, chảy mủ 1 hoặc 2 bên tai.
Viêm thanh quản: Có thể kèm cơn khó thở về đêm, ho hen, khàn giọng, nếu nặng có thể khó thở thanh quản.
Viêm não tủy (0,1 đến 0,2%): Có thể xảy ra sớm hơn 2 tuần với triệu chứng sốt cao, nôn ói, nhức đầu, lơ mơ, co giật.
Xuất huyết giảm tiểu cầu: Thường xảy ra từ ngày 3 đến ngày 5
Một số chứng bệnh khác:
Viêm kết mạc mắt, dẫn đến loét giác mạc do thiếu Vitamin A dẫn đến mù.
Viêm cơ tim
Viêm loét niêm mạc má, miệng (dân giang còn gọi là cam tẩu mã)
Viêm hạch mạc trên ruột, gây đau bụng
Viêm gan: gây vàng da, tăng men gan (chủ yếu gặp ở người lớn)
Viêm vỉ cầu thận cấp
Hội chứng Guillain Barré.
Theo đó, để đảm bảo sức khỏe cho con mình, các gia đình cần chú ý theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện của bệnh cần đưa đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị sớm.
Hướng Dương