Không thể đợi phủ hết vaccine mới cho học sinh đi học trở lại
Ngày 25/10, trong chương trình 30 phút cùng VOV2, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng cần sớm mở cửa lại trường học.
Việc học sinh ở nhà lâu ngày không được đến trường, không được giao lưu giữa học sinh với học sinh, giáo viên với học sinh sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần học sinh, thậm chí ảnh hưởng đến cả một thế hệ.
Riêng đối với Hà Nội – trung tâm kinh tế, chính trị cả nước, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập bất cứ lúc nào nên việc lãnh đạo thành phố có sự thận trọng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Hà Nội vẫn nên cho học sinh đi học trở lại. Bởi dù vẫn phát sinh những ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng nhưng không phải là số lượng lớn, chỉ xảy ra ở một số địa điểm nhỏ.
“Chúng ta chấp nhận có F0 trong cộng đồng, nói cách khác không thể không có F0 thì phải thực hiện bình thường mới theo tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế”, ông Trần Đắc Phu nêu quan điểm.
Theo đánh giá của chuyên gia về dịch tễ Trần Đắc Phu, rất nhiều tỉnh, thành phố, nhiều địa bàn ở nông thôn là “vùng xanh” không có dịch nhưng tại sao vẫn chưa cho học sinh đi học? Chúng ta quy đồng cả một tỉnh, cả một thành phố sẽ ảnh hưởng rất lớn, cần có kế hoạch phân vùng nào gọn vùng đấy. Vùng nào có nguy cơ, vùng nào không? dịch ở mức độ nào giải quyết nguy cơ đó, phạm vi đó.
“Rủi ro các cháu không được đi học, không được đến trường cao hơn việc có thể một số cháu nhiễm Covid-19”, ông Trần Đắc Phu đánh giá.
Cụ thể hơn, khi mở cửa trường học PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, các lớp học nên tổ chức độc lập với nhau, tránh giao lưu giữa lớp nọ sang lớp kia. Trong trường hợp dịch xảy ra ở lớp nào thì chỉ đánh giá nguy cơ ở lớp đấy. Nếu các lớp khác không có yếu tố dịch tễ thì vẫn tổ chức dạy học bình thường. Quan trọng là cần theo dõi có học sinh nào bị sốt, bị ho hay không? Kết hợp rất nhuần nhuyễn giữa gia đình, cộng đồng với giáo viên để phát hiện sớm trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 .
Trước quan điểm cho rằng nên tiêm phủ vaccine cho trẻ em rồi mới mở cửa trường học, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng điều này là không phù hợp. Chưa nói đến nguồn cung vaccine vẫn khan hiếm ngay cả trong trường hợp có đủ vaccine thì việc phải tiêm đủ 2 mũi để có kháng thể cũng mất nhiều thời gian. Và như thế năm học sẽ bị kéo dài ảnh hưởng đến học sinh nhất là các em học sinh đầu cấp, cuối cấp.
Trường học cần tranh thủ thời gian “vàng” khi học sinh đi học trở lại
Trước đó, ngày 15/10 Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.
Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, căn cứ phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn cấp phường/xã, cấp quận/huyện, cấp tỉnh/thành phố để quyết định tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại từng địa bàn, theo nguyên tắc khu vực nào kiểm soát được dịch thì cho học sinh trở lại trường học tập; chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo quy định.
Cụ thể, đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình): tổ chức dạy học trực tiếp; đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao): tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình; đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao): căn cứ vào thực tế tình hình và tiến độ triển khai kế hoạch năm học tại địa phương để tổ chức dạy học trực tuyến, học trên truyền hình hoặc giao bài tự học...
Trao đổi với phóng viên VOV2, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, khi cho học sinh đi học trở lại các trường cần có kế hoạch đảm bảo an toàn, hạn chế tổ chức các hoạt động tập thể, giao lưu giữa nhiều lớp với nhau. Các hoạt động học tập kể cả hoạt động tập thể chỉ diễn ra ở khuôn khổ trong lớp học. Nếu có rủi ro xảy ra thì đảm bảo việc ngăn chặn trong phạm vi lớp học hoặc một vài lớp học.
Bên cạnh đó, nhà trường cần phải có bộ phận thường trực, có tập huấn bài bản để sẵn sàng ứng phó dịch bệnh. Đặc biệt, nhà trường và gia đình cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc đưa trẻ từ nhà đến trường và từ trường về nhà theo tinh thần “một cung đường 2 điểm đến”.
“Khi học sinh đến trường trở lại có thể không thể đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh 100% nhưng phải thực hiện tất cả các quy định phòng chống dịch để đảm bảo phần đông các em không phải ở nhà học trực tuyến quá lâu ảnh hưởng rất nhiều thứ. Trong đó không chỉ về mặt kiến thức, năng lực mà cả những yếu tố về tâm lý mà đối với học sinh phổ thông chỉ có thể thực hiện ở trường thôi”, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.
Liên quan đến việc đảm bảo kiến thức, kỹ năng khi học sinh đi học trở lại, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho biết, Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản hướng dẫn cụ thể vấn đề này.
Trong đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu khi học sinh đi học trở lại, nhà trường phải có rà soát, đánh giá kết quả học tập trực tuyến, học tập qua truyền hình để phân được các nhóm học sinh. Sau đó tổ chức ôn tập để bù đắp kiến thức phù hợp cho từng đối tượng. Đặc biệt chú trọng tới các em học sinh gặp nhiều khó khăn khi học trực tuyến, những học sinh phải theo cha mẹ về quê tránh dịch hoặc bị mắc kẹt ở quê không trở về thành phố do dịch bệnh.
“Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn cụ thể để đảm bảo các em có chung một mặt bằng kiến thức khi đi học trở lại. Và các trường cần xây dựng kế hoạch làm sao tận dụng hiệu quả thời gian học sinh được đến trường để tiếp tục dạy những nội dung cơ bản, cốt lõi theo hướng dẫn của Bộ. Chủ động, linh hoạt để nếu có bất thường xảy ra thì có thể chuyển trạng thái từ trực tiếp sang trực tuyến”, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho biết.
(theo VOV)