Nhiều người bệnh sau khi khỏi COVID-19 sinh ra tâm lý chủ quan, cho rằng cơ thể mình đã sản sinh ra kháng thể chống lại nCoV thì sẽ “bất tử”. Tuy nhiên, trong tình hình F0 tăng mạnh như hiện nay, không ít người “mếu máo” vì tái nhiễm COVID-19 chỉ sau 1, 2 tháng khỏi bệnh.
Giải thích về tình trạng tái nhiễm COVID-19, Tiến sĩ, dược sĩ Phạm Đức Hùng, (chuyên gia về miễn dịch và truyền nhiễm), Bệnh viện Cincinnati, Ohio, Mỹ nói với Zing.vn rằng: "Sau khi khỏi bệnh, cơ thể bệnh nhân sẽ sản sinh ra kháng thể chống lại nCoV. Tuy nhiên, lượng kháng thể được tạo ra có thể không đủ mạnh hoặc tồn tại không đủ lâu.
Sau một thời gian, chúng sẽ suy yếu và mất đi. Ngoài ra, kháng thể tạo ra khi nhiễm chủng ban đầu không bảo vệ cơ thể trước chủng mới. Khi đó, người bệnh tái nhiễm với chủng virus mới".
Tiến sĩ Đức Hùng cho hay, so với tái nhiễm biến chủng Beta hay Delta, người bệnh dễ có nguy cơ tái nhiễm với chủng Omicron hơn nhiều. Điều này do chúng có nhiều đột biến tại vùng spike protein và các vùng khác. Vì vậy, biến chủng này có thể tránh được đề kháng nhận được từ người đã tiêm vaccine (kháng thể và miễn dịch tế bào T).
Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho rằng, nguyên tắc tái nhiễm là mang chủng khác. Nếu người bệnh hiện giờ phát hiện tái nhiễm, thì khả năng mắc chủng Omicron.
"Nếu F0 mắc chủng Delta khỏi bệnh, nhiễm lại khả năng mắc Omicron, nhưng nhẹ hơn", bác sĩ Khanh nói.
Trả lời vấn đề tái nhiễm COVID-19, trên Doanh nghiệp và Tiếp thị, Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc Phòng cho biết, hiện đã xuất hiện tình trạng tái nhiễm, tuy nhiên rất hiếm khi xảy ra ngay sau khi bệnh nhân mới khỏi bệnh.
Kết quả PCR âm tính có thể do lấy mẫu chưa đúng, do cơ thể chưa hết hẳn virus (mới chỉ hết ở dịch tỵ hầu) nhưng đề kháng kém nên virus tiếp tục nhân lên.
"Có nhiều người dù không có triệu chứng gì đặc biệt, nhưng 15-20 ngày rồi, virus vẫn chưa hết hẳn, chỉ số CT vẫn dao động ở khoảng 25-30. Với các trường hợp này, cần ăn uống, luyện tập, nghỉ ngơi tốt hơn để sớm có kết quả PCR âm tính", bác sĩ Hoàng nói.