Giao tiếp là một kỹ năng thiết yếu trong cuộc sống, đôi khi chỉ vì một chút sơ suất trong lời nói mà có thể gây nên tổn thương và hiềm khích không đáng có. Dưới đây là những câu nói mang ý phán xét, đả kích mà một người biết cách cư xử sẽ tránh trong giao tiếp hằng ngày.
Kiểu an ủi cho có: “Mình thấy ổn mà, có sao đâu”
Khi bạn của bạn đang lo lắng một vấn đề và hỏi ý kiến của bạn, nghĩa là họ tin tưởng bạn và mong đợi một sự hỗ trợ. Vì vậy, đừng trấn an kiểu cho có vì nó sẽ làm họ mất cảnh giác hoặc khiến họ không để ý đến những gì trực giác mách bảo nữa. Bạn sẽ vô tình đẩy họ vào những tình huống khó nhằn vì những câu trấn an vô nghĩa đó. Thay vào đó bạn có thể nói: "Việc này mình cũng không rõ lắm, cậu nên cẩn trọng và tin vào trực giác của mình".
Kiểu đặt người khác: "Đảm bảo sau này bạn sẽ thay đổi suy nghĩ"
Dù theo thời gian, hoàn cảnh, môi trường sống, ai rồi cũng phải thay đổi thôi. Nhưng khi bạn nói ra câu đó, bạn đề cao quan điểm của bản thân và khiến những quyết định của đối phương bị ảnh hưởng bởi dự đoán của bạn.
Tỏ ra mình có kinh nghiệm: "Mình đã từng thử như bạn rồi nên biết hết"
Thông thường khi nói câu này, nó sẽ khiến bạn có ý hơi trịch thượng hoặc khiến đối phương cảm thấy họ còn “non và xanh” lắm. Trong khi trải nghiệm và góc nhìn của mỗi người ở cùng một sự việc có thể hoàn toàn khác nhau. Bạn không thực sự biết hết và bạn cũng làm người khác mất hứng để nói chuyện.
Hỏi những câu khiến người khác xấu hổ: "Bạn có biết điều này là xấu hổ lắm không?"
Ai trong chúng ta cũng có những thói quen xấu và những quyết định sai lầm. Nếu bạn quá bất bình và không thể nói được những lời tử tế, hãy chọn cách im lặng.
Nói những câu bàn lùi: "Cậu mấy tuổi rồi mà còn làm những trò này, đừng phí thời gian nữa!"
Câu này không có tí gì tích cực luôn! Chúng ta không bao giờ quá tuổi để bắt đầu thử và trải nghiệm những cái mới, những điều thú vị trước đây mình chưa từng làm. Hãy cổ vũ và động viên khi người khác đang cố gắng khiến cuộc sống của họ trở nên sống động và có ý nghĩa hơn.