Thống kê cho thấy, 42% người không thoa lại kem chống nắng hoặc chỉ thoa lại khi da bị ướt – thói quen tưởng chừng vô hại nhưng thực tế làm giảm hiệu quả bảo vệ da.
Theo khảo sát của Viện Da liễu Hoa Kỳ với 1.000 người trưởng thành, dù 80% tin rằng nên bôi lại kem chống nắng sau mỗi hai giờ, chỉ 33% thực sự thực hiện. Điều này đồng nghĩa là phần lớn người dùng đang bỏ qua một bước quan trọng trong việc chăm sóc và bảo vệ làn da khỏi nguy cơ lão hóa và ung thư da.

Chỉ số SPF cao không có nghĩa là hiệu quả kéo dài
Nhiều người lầm tưởng rằng kem chống nắng có chỉ số SPF càng cao thì càng bền. Thực tế, dù là SPF 30 hay 100, bạn vẫn cần thoa lại sau mỗi hai giờ, bởi ánh nắng và độ ẩm sẽ làm suy giảm khả năng bảo vệ của sản phẩm. SPF chỉ phản ánh mức độ lọc tia UV chứ không phải thời gian bảo vệ. Ngoài ra, việc sử dụng quá ít kem cũng làm giảm hiệu quả: SPF 30 nếu bôi không đủ liều lượng có thể chỉ còn tương đương SPF 10.
Để đảm bảo hiệu quả, bạn nên dùng một lượng kem tương đương một ly nhỏ cho toàn thân và đặt báo thức nhắc thoa lại. Nếu không thích bôi nhiều, hãy ưu tiên chọn loại có SPF cao.

Ngồi trong ô tô cũng cần chống nắng
Nhiều người chủ quan khi ở trong ô tô, cho rằng đã được che chắn hoàn toàn khỏi tia UV. Thực tế, chỉ kính chắn gió trước có khả năng cản cả tia UVA và UVB, trong khi cửa sổ bên và phía sau chỉ chặn được tia UVB. Tia UVA có thể xuyên sâu vào da và là nguyên nhân gây lão hóa sớm, thậm chí ung thư da.
Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, có đến 74% các ca ung thư da xuất hiện ở bên trái cơ thể – phía thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng qua cửa sổ xe. Vì thế, nếu phải di chuyển lâu trong ô tô, bạn nên thoa kem chống nắng, mặc áo dài tay và đeo kính râm.
Kem chống nắng không gây thiếu vitamin D
Một hiểu lầm khác là kem chống nắng khiến cơ thể không tổng hợp được vitamin D. Tuy nhiên, một lượng nhỏ tia UV vẫn xuyên qua lớp kem đủ để kích thích sản sinh loại vitamin quan trọng này. Bạn hoàn toàn có thể bổ sung vitamin D qua thực phẩm như cá hồi, trứng, sữa, ngũ cốc tăng cường hoặc dùng thực phẩm chức năng theo chỉ định của bác sĩ.

Không phải loại kem chống nắng nào cũng giống nhau
Trên thị trường hiện nay có hai loại chính: kem chống nắng vật lý và hóa học. Kem chống nắng vật lý chứa kẽm oxit hoặc titan dioxit, hoạt động bằng cách phản xạ tia UV, phù hợp với làn da nhạy cảm và thân thiện với môi trường. Trong khi đó, kem chống nắng hóa học hấp thụ và chuyển hóa tia UV thành nhiệt, thường có kết cấu mỏng nhẹ hơn nhưng dễ gây kích ứng.

Cẩn trọng với kem chống nắng tự chế
Một số người chọn tự pha chế kem chống nắng tại nhà, song đây là lựa chọn không an toàn. Sản phẩm tự chế không thể xác định chính xác chỉ số SPF, cũng như không đảm bảo công thức ổn định và hiệu quả chống nắng. Thay vào đó, nếu da bạn dị ứng với một số thành phần trong kem chống nắng hóa học, hãy ưu tiên chọn kem chống nắng vật lý có nhãn "khoáng chất" để an toàn hơn cho làn da.