Ghi ngày tháng của bài giảng ở ngay phía đầu ghi chú là việc nên làm. Điều này giúp bạn tiết kiệm thời gian, không bị lẫn lộn trình tự kiến thức khi cần xem lại để đối chiếu với tài liệu giáo khoa, hoặc hình dung lại bài giảng rõ hơn mỗi khi ôn tập.
Đừng bỏ qua tựa đề bài giảng
Nếu tinh ý bạn sẽ nhận ra tựa đề bài giảng chính là chủ đề chính, là ý tưởng lớn bao quát toàn bộ bài giảng. Nhiều sinh viên chỉ đi vào các chi tiết, lười hoặc bỏ qua việc ghi lại đầu bài. Việc này sẽ khiến bạn dễ bị lẫn lộn nội dung từ chủ đề này qua chủ đề khác, tốn thời gian nhưng vẫn không nắm được đại ý bài giảng.
Dùng các ký hiệu
Nếu bạn là người trực quan, có khả năng ghi nhớ tốt hơn thông qua quan sát hình ảnh thì việc dùng các nét vẽ thay cho chữ là điều nên làm. Nhưng để tránh việc sau này ôn tập xem lại mà quên hoặc không hiểu thì bạn nên có phương pháp ghi chú, đánh dấu cho những sáng tạo của mình.
Chú ý tới những từ khóa trong bài giảng
Đôi khi việc tập trung vào từng chi tiết trong bài giảng lại không đem lại hiệu quả bằng việc chú ý vào một số từ khóa. Một số từ khóa mang nội dung, hoặc mở ra những nội dung chính yếu mà thầy cô thường dùng là: lý do đầu tiên, nguyên nhân là, có các bước sau, kết luận lại là…
So sánh bài giảng với sách
Đôi khi có một số giáo viên thường không cung cấp sẵn nội dung bài giảng, hoặc không ghi chép trên bảng mà chỉ tập trung vào việc đứng nói, diễn giải. Trong trường hợp này, bạn có một lợi thế là thỏa sức sáng tạo ghi chép, ghi nhớ những gì bản thân bạn thấy cần thiết. Nhưng mặt khác, nó sẽ gây khó khăn cho các bạn có thói quen ghi chép theo hệ thống. Do đó, bạn có thể đối chiếu với sách giáo khoa, hoặc giáo trình có sẵn bên ngoài để theo dõi xem thầy cô đang nói tới phần nào, tiện ghi chép thêm ý của thầy cô bên cạnh ý có sẵn từ sách.
Theo Thanh niên