Trong một hội thảo gần đây, PGS Phạm Công Hiệp, quyền Phó trưởng khoa phụ trách Nghiên cứu và Đổi mới tại Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, nhấn mạnh AI được thiết kế để giao tiếp với con người thông qua giao diện trò chuyện. Do đó, mọi người cần học cách tương tác hiệu quả với AI.
"Học về AI nên được coi như học ngôn ngữ mới. Khi càng nhiều người được đào tạo để giao tiếp hiệu quả với AI, công nghệ này có thể giúp mang lại nhiều kết quả giá trị hơn", PGS Phạm Công Hiệp nhấn mạnh.
Làm sao để tương tác tốt với chatbot?
Theo Business Insider, thay vì đưa ra các câu lệnh chung chung, người dùng có thể áp dụng một số thủ thuật để viết câu lệnh tốt hơn cho các AI tạo sinh như ChatGPT.
Đầu tiên, có thể bắt đầu câu lệnh bằng cách gán vai trò chụ thể cho chatbot, chẳng hạn như "trong vai một giáo sư" (act as a professor), "trong vai chuyên viên marketing" (act as a marketing professional) hay "trong vai một nhân viên" (act as an employee).
Tiếp theo, hãy giao chatbot công việc riêng lẻ cho từng câu tương tác, tránh đưa ra quá nhiều yêu cầu. Trong đoạn yêu cầu này, cần cung cấp thông tin chi tiết về các yếu tố liên quan (độ dài, nội dung, lĩnh vực...), điều quan trọng là có ý tưởng rõ ràng về mục đích câu trả lời.
Nếu phản hồi của chatbot không như mong muốn, hãy tinh chỉnh câu lệnh ban đầu cho rõ ràng hơn. Ví dụ, thay vì chỉ yêu cầu ChatGPT gợi ý sách hay, nên điều chỉnh câu lệnh với các chi tiết về tính cách của chatbot (người thích đọc sách), từng đọc qua cuốn nào rồi đề xuất các tựa sách tương tự.
Một ví dụ khác, thay vì chỉ ghi "Đề xuất công thức nấu bữa tối", hãy điều chỉnh câu lệnh thành "Là người thích thử món mới và đặc biệt là đồ ăn cay, hãy đề xuất thực đơn ăn tối thú vị cho bữa họp mặt cuối tuần cùng bạn bè".
Nếu cần tạo nội dung cho doanh nghiệp, người dùng có thể soạn trước thông tin về vị trí công việc, vị thế và lĩnh vực hoạt động của công ty. Mỗi lần nhập câu lệnh, hãy bổ sung các thông tin ấy để ChatGPT đưa ra kết quả tốt hơn.
Sau mỗi câu trả lời, có thể yêu cầu ChatGPT gợi ý câu lệnh để tăng hiệu quả tương tác, đồng thời đưa ra các chi tiết chưa tốt, yêu cầu chatbot bổ sung hoặc chỉnh sửa. Trong một số trường hợp, thay thế vài từ trong câu lệnh bằng từ đồng nghĩa cũng có thể cho kết quả tốt hơn.
Nếu dùng ChatGPT để viết bài trên mạng xã hội, chuyên gia của Business Insider gợi ý người dùng tinh chỉnh giọng điệu của chatbot cho phù hợp đối tượng mục tiêu. Nếu muốn tạo các nội dung dài hơn, hãy cung cấp dàn ý cụ thể.
Tất nhiên, nội dung đưa ra bởi các công cụ AI tạo sinh vẫn có khả năng không chính xác hoặc đạo văn. Do đó, PGS Phạm Công Hiệp của Đại học RMIT Việt Nam cho rằng cần phải có khung pháp lý để ngăn chặn những tác động tiêu cực này.
Chúng ta chưa cần phải lo lắng!
Theo thời gian, năng suất làm việc của AI khiến một số công ty đưa ChatGPT vào danh sách kỹ năng cần có khi tuyển ứng viên. Một số tổ chức thậm chí thuê ít người hơn để tạo ra cùng sản lượng, gây tác động đến thị trường việc làm.
Theo Forbes, dưới tác động của AI, nhân sự trong lĩnh vực dịch vụ sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn so với lĩnh vực sản xuất. Đáng chú ý, các công việc sáng tạo nội dung, mang tính lặp lại trong văn phòng dễ bị thay thế bởi AI tạo sinh, trong đó có nghề phân tích thị trường, viết tài liệu kỹ thuật hay phát triển website.
Số liệu của World Bank cho thấy trong năm 2021, 37,8% lực lượng lao động tại Việt Nam thuộc ngành dịch vụ, trong khi Mỹ là 79,2%. Do đó, tác động ngắn hạn của AI đến thị trường việc làm trong nước sẽ tương đối thấp so với các quốc gia phát triển, theo nhận định của TS Jung Woo Han, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị nguồn nhân lực và Khởi nghiệp, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT.
Dù vậy, TS Jung Woo Han cho rằng điều đó không có nghĩa lớp nhân sự sẽ an toàn trước sự phát triển của công nghệ trong một số lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như du lịch.
"Khi AI tiên tiến kết hợp với công nghệ robot mới nhất, thị trường việc làm trong các lĩnh vực khác có thể bị rúng động", TS Jung Woo Han nhận định.
Theo ước tính của OpenAI, các công việc yêu cầu trình độ đại học sẽ chịu rủi ro cao hơn so với bằng cấp trung học bởi sự yêu cầu về sáng tạo nội dung. Ngoài ra, khả năng tương tác trực tiếp của một số AI cũng có thể ảnh hưởng đến lớp nhân sự trong ngành dịch vụ.
Để đối phó, TS Jung Woo Han cho rằng nhân sự cần phát triển một số kỹ năng liên quan đến AI thay vì lo lắng quá mức. Dù nhiều kiến thức và kỹ năng có thể bị AI thế chỗ, vẫn còn một yếu tố không thể thay thế.
"Đó là thái độ tích cực để xây dựng văn hóa năng suất, nuôi dưỡng và đổi mới sáng tạo, từ đó khai phá tiềm năng cho tổ chức", đại diện từ Đại học RMIT nói thêm.