Chàng trai thức trắng 11 đêm để "phục vụ khoa học" cấp trường, kết quả lại đạt kỷ lục "Người thức lâu nhất thế giới"

Hồng Ngọc
Mục đích ban đầu của Randy Gardner thực hiện đề tài này để giành giải nhất cuộc thi khoa học cấp trường. Nhưng thật không ngờ, kết quả cuối cùng vượt xa cả mong đợi của anh chàng.

Cuối tháng 12/1963, chàng trai 17 tuổi Randy nhờ hai người bạn Bruce McAllister và Joe Marciano giúp thực hiện đề tài "Người không ngủ lâu nhất" mà anh tin sẽ giành giải cao. Theo kế hoạch, trong khi Randy cố gắng thức lâu nhất có thể, Bruce và Joe sẽ thay phiên nhau quan sát, ghi chép diễn biến tâm lý, thể chất của Randy.

Thí nghiệm nguy hiểm đến mức có thể khiến Randy mất mạng, vì vậy nó được viết khắp các mặt báo Mỹ lúc bấy giờ. Số lượng bài nhiều đến mức chỉ kém tin tức về tổng thống Kennedy bị ám sát và ban nhạc huyền thoại Beatles lưu diễn.

Chàng trai thức trắng 11 đêm để
Randy Gardner - anh chàng đã thức trắng 11 đêm để "phục vụ khoa học". (Ảnh: Twitter)

Khi thí nghiệm được 3 ngày, tiến sĩ William Dement, chuyên gia nghiên cứu giấc ngủ từ Đại học Stanford tìm đến các nam sinh này để hỗ trợ. Randy được cho làm một loạt các bài kiểm tra nhận thức và giác quan. Để không ngủ, anh chàng chơi các trò vận động như bóng rổ, bowling,... thỉnh thoảng được cho uống nước có gas. "Chúng tôi gặp nhiều khó khăn vào ban đêm, khi xung quanh yên tĩnh, chúng tôi cũng không có gì để làm. Nếu để cậu ấy nhắm mắt, cậu ấy sẽ ngủ ngay lập tức", William kể lại.

Giai đoạn đầu, thí nghiệm diễn ra khá suôn sẻ. Ngày đầu tiên không ngủ chưa ảnh hưởng gì lắm. Ngày thứ 2, Randy gặp khó khăn trong việc xác định vật thể di chuyển bằng xúc giác. Ngày thứ 3, tâm trạng cậu ủ dột hơn, gặp khó khi phải uốn lưỡi.

Chàng trai thức trắng 11 đêm để
Từ trái sang: Bruce McAllister, Randy Gardner, Tiến sĩ William Dement và Joe Marciano.

Đến ngày thứ 4, Randy bắt đầu lẫn lộn ký ức và ảo giác bắt đầu xuất hiện. "Tôi đã tưởng rằng mình là một cầu thủ bóng bầu dục nổi tiếng Paul Lowe", chàng trai này trả lời một bài phỏng vấn sau thí nghiệm 1 năm.

Ảo giác tiếp tục xuất hiện trong những ngày sau đó. Randy nhìn thấy khu rừng chạy qua trước mặt, thay vì hình ảnh trong ngôi nhà của cậu. Những lúc này, mọi thứ anh chàng làm chỉ đơn giản là vào toilet. Không còn hưng phấn nữa, mọi thứ cứ trầm lắng dần giống như có ai đó đang chà phẳng não vậy. Cơ thể Randy cứ lê lết, trong khi thần trí rất đứt đoạn.

Những ngày kế tiếp, tốc độ nói chuyện của anh chậm dần và nội dung bắt đầu lung tung. Trí nhớ cũng tệ hẳn đi, Randy có thể nói 1 câu nhưng dừng lại nửa chừng hoặc vì quên mất mình định nói gì hoặc do mạch nói bị nghẽn vì một suy nghĩ mới. Dẫu vậy, anh vẫn có thể chơi bóng bàn.

Ngày thứ 11 cũng là ngày cuối cùng, Randy gần như vô cảm và phải cần nhắc liên tục mới có thể trả lời. Các bài kiểm tra tâm lý kết thúc rất nhanh vì anh gần như quên sạch mình đang làm gì. May mắn là Randy không gặp các hiệu ứng quá nghiêm trọng từ việc thiếu ngủ.

Chàng trai thức trắng 11 đêm để
May mắn là Randy không gặp vấn đề gì sau thí nghiệm 11 ngày không ngủ.

Sau khi kết thúc thí nghiệm, Randy được đưa đến một bệnh viện hải quân gần đó tiến hành đo sóng não. Anh ngủ liền 14 tiếng rồi tỉnh dậy do nhu cầu vệ sinh. Tiến sĩ William cho biết khi giấc ngủ ổn định trở lại, Randy tiếp tục đến trường. Cơ thể không có các triệu chứng nào khác thường. 

Đúng như kỳ vọng, nhóm nghiên cứu của Randy giành giải nhất trong Hội chợ Khoa học năm đó. Hơn thế, anh chàng này còn được ghi tên trong sách Kỷ lục Guinness thế giới trở thành "Người thức lâu nhất thế giới". Trước anh có Tom Rounds, người nắm giữ kỷ lục Guinness thời điểm đó khi không ngủ tới 260h. Một người khác là DJ Peter Tripp đã thức trắng 200h.

Chàng trai thức trắng 11 đêm để
Randy tại bệnh viện sau khi kết thúc thí nghiệm. (Ảnh: Teletica)

Sau kỷ lục của Randy, có một số người đã vượt qua anh về thời gian thức trắng nhưng kỷ lục Guinness đã dừng ghi nhận hạng mục này. Bởi vì sự nguy hiểm của thí nghiệm với sức khỏe con người, dù nhiều người đăng ký vào danh sách. Xét cho cùng, việc ép cơ thể thức trắng là một việc rất nguy hiểm, chúng ta tuyệt đối không nên bắt chước nhé!

(Nguồn: IFL Science)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bài liên quan

Bài Vui - Độc - Lạ khác

Gấu nước: Sinh vật chịu bức xạ "siêu nhân" gấp 1.000 lần con người

Loài gấu nước Hypsibius henanensis sở hữu khả năng chịu đựng bức xạ gamma cao từ 3.000 đến 5.000 gray - mức mà con người chỉ cần tiếp xúc 1/1.000 là tử vong. Hệ gene đặc biệt của loài sinh vật này giúp giải mã cách chúng vượt qua giới hạn sinh học và sống sót trong điều kiện khắc nghiệt.

Những ngôi trường độc lạ

Trường học thường được ví von như “ngôi nhà thứ hai” của mỗi cô cậu học trò. Bởi thế, việc thiết kế một ngôi trường có diện mạo ấn tượng, thu hút và… gây thương nhớ đối với đám “nhất quỷ nhì ma” cũng là điều quan trọng ra phết đấy. Hãy cùng xem, thế giới của chúng ta có những ngôi trường như vậy không nha.

Đấu trường nhan sắc dành cho các "boss" mèo

Cuộc thi mèo đẹp quốc tế của Hiệp hội mèo Cat Fancier Association (CFA) tại Việt Nam vừa diễn ra với sự tham gia của hơn 100 “thí sinh” mèo đến từ các quốc gia trên thế giới: mèo Anh lông ngắn, mèo Sphinx, mèo Ragdoll, mèo Ba Tư, mèo Exotic, mèo Lykoi, mèo Maine coon...