Trong nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc, khi xem xét hệ gene của H. henanensis, nhóm nghiên cứu phát hiện sinh vật này có 14.701 gene mã hóa protein, trong đó có 4.436 gene độc quyền. Khi tiếp xúc với bức xạ, gấu nước kích hoạt ba cơ chế quan trọng để tự bảo vệ: gene DODA1 - có khả năng di truyền từ vi khuẩn - giúp sản sinh sắc tố betalain để vô hiệu hóa các phân tử gây hại từ bức xạ; protein TRID1 tăng tốc quá trình sửa chữa ADN; và hai protein BCS1 và NDUFB8 hỗ trợ cung cấp năng lượng cho tế bào.
Sự kết hợp của ba yếu tố này giúp gấu nước kháng lại tác động của bức xạ nguy hiểm - điều chưa từng thấy ở các sinh vật khác trên Trái Đất. Nhờ các đặc tính độc đáo này, gấu nước trở thành đối tượng nghiên cứu tiềm năng cho nhiều lĩnh vực quan trọng. Khả năng kháng bức xạ của chúng có thể ứng dụng trong y học, nông nghiệp và thám hiểm không gian.
Khi nghiên cứu sâu hơn, các nhà khoa học hy vọng có thể tạo ra công nghệ bảo vệ phi hành gia khỏi bức xạ không gian - một trong những thách thức lớn nhất khi thám hiểm các hành tinh không có lớp bảo vệ khí quyển như Mặt Trăng. Bức xạ vũ trụ từ Mặt Trời và các thiên hà xa xôi dễ dàng xuyên qua cơ thể con người, gây tổn thương tế bào. Qua việc tìm hiểu cơ chế kháng bức xạ của gấu nước, các nhà khoa học kỳ vọng sẽ phát triển thuốc hoặc phương pháp chỉnh sửa gene giúp con người chống chịu tốt hơn trong môi trường khắc nghiệt của không gian.