Mới đây Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ (National Geographic Society), cơ quan phát hành bản đồ thế giới từ năm 1915, đã tuyên bố công nhận về đại dương thứ năm trên Trái Đất vào ngày Đại dương thế giới.
Đại dương mới được xác định bằng dòng chảy hải lưu Nam cực, không phải bằng vị trí địa lý và các mảng kiến tạo như 4 đại dương trước đó.
Hình thành cách đây khoảng 34 triệu năm, khi Nam Cực và Nam Mỹ tách ra do tác động của việc trôi dạt lục địa, dòng chảy hải lưu Nam cực ACC chảy ngược chiều kim đồng hồ quanh Nam Cực trong một dải dao động nằm ở vĩ độ 60.
Các quan chức của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) cho biết, cơ quan liên bang đã công nhận khu vực này là đại dương thứ 5 vào năm 1999, khi Hội đồng về tên Địa lý Mỹ chấp thuận tên gọi “Nam Đại Dương”.

Khi các ranh giới của đại dương được đề xuất với Tổ chức Thủy văn Quốc tế (IHO) vào năm 2000, tổ chức đã theo dõi và lập biểu đồ các vùng biển và đại dương trên thế giới, nhưng không phải tất cả các nước thành viên IHO đều đồng ý, theo NOAA.
Phía Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ cho biết Nam Đại Dương vốn đã được giới khoa học công nhận từ lâu nhưng chưa bao giờ được chính thức công nhận vì không có thỏa thuận quốc tế chung.
Nam Đại Dương có hệ sinh thái phong phú ở vùng nước lạnh giá, là nơi sinh sống của các sinh vật biển tuyệt vời như cá voi, chim cánh cụt và hải cẩu. Đây là đại dương duy nhất tiếp xúc với 3 đại dương khác và bao trùm toàn bộ một châu lục, không bị các châu lục khác nằm bao quanh như 4 đại dương còn lại.

Như vậy ngoài 4 đại dương trên thế giới Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương như chúng ta đã biết thì Trái Đất chính thức có đại dương thứ 5 mang tên “Nam Đại Dương”.