Chuyên gia giải tỏa thắc mắc về vaccine COVID-19 cho trẻ em

Bảo Bối
Sau khi đã công bố loại vaccine và các phân tích về lợi ích, nguy cơ chắc chắn nhiều phụ huynh sẽ vững tin hơn khi cho con tiêm chủng.

Hôm nay, 27/10, TP.HCM sẽ tổ chức tiêm thí điểm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ tại quận 1 và huyện Củ Chi. Thống kê từ Sở GD&ĐT TP đến ngày 25-10, có 92,13% phụ huynh học sinh 12-17 tuổi đồng ý tiêm vaccine phòng COVID-19 cho con.

Nhiều phụ huynh đồng thuận cho con tiêm vaccine nhưng cũng bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng về những tác dụng phụ mà trẻ sẽ gặp phải trong quá trình tiêm và sau tiêm.

a - Ảnh 2
PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng

PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nhận định: “Bộ Y tế chọn lựa loại vaccine phù hợp nhất cho trẻ, có nghĩa là đem lại lợi ích nhiều hơn nguy cơ cho trẻ được tiêm. Tôi không rõ loại vaccine khiến cho một số phụ huynh còn băn khoăn, nhưng sau khi đã công bố loại vaccine và các phân tích về lợi ích, nguy cơ, chắc chắn nhiều phụ huynh sẽ vững tin hơn khi cho con tiêm chủng”.

Tiêm cho trẻ cũng góp phần tạo miễn dịch cộng đồng

Bộ Y tế đã cho phép triển khai chương trình tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi từ ngày 1-11. Các tỉnh, thành, đặc biệt là TP.HCM đã có kế hoạch cụ thể để tiêm vaccine cho trẻ. Ông có thể đánh giá khái quát về chương trình này?

+ PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng: Vaccine là rất quan trọng để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm. Việc tiêm chủng vaccine cho trẻ có thể bảo vệ bản thân trẻ không bị mắc bệnh và đồng thời cũng bảo vệ cộng đồng. Vì vậy chương trình tiêm chủng vaccine cho trẻ là rất cần thiết. Trước tiên để bảo vệ các trẻ có nguy cơ cao bị bệnh COVID-19 nặng. Tuy nhiên, việc triển khai cần được cân nhắc về tiến độ để đảm bảo an toàn cho trẻ được tiêm và không gây ra tình trạng thiếu hụt vaccine cho người cao tuổi ở một số địa phương.

Một số ý kiến cho rằng trẻ khỏe mạnh ở độ tuổi 12-15 có nguy cơ bị COVID-19 nặng rất thấp nên lợi ích của việc tiêm chủng cho trẻ là khá nhỏ, ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

+ Đúng là như vậy. Trẻ nhìn chung có nguy cơ tiến triển bệnh nặng rất thấp và đặc biệt ở trẻ 12-15 tuổi thì nguy cơ mắc bệnh nặng là thấp nhất trong các trẻ (trong khi đó, trẻ dưới hai tuổi có nguy cơ bị COVID-19 nặng lại là cao nhất trong các trẻ). Ngoài ra, khi người lớn đã được tiêm chủng đủ thì nguy cơ mắc ở trẻ còn thấp hơn nữa: Ở Anh quốc sau khi tiêm chủng được 60% người lớn trên 18 tuổi thì tỉ lệ bị lây nhiễm COVID-19 ở trẻ giảm khoảng sáu lần. Vì vậy lợi ích khi tiêm chủng của trẻ là không lớn so với lợi ích khi tiêm cho người lớn và người cao tuổi.

Dù lợi ích khi tiêm cho trẻ là nhỏ nhưng cũng cần xem xét nếu sau khi tiêm cho người lớn, nguy cơ mắc COVID-19 ở trẻ vẫn đáng kể. Ngoài ra, tiêm cho trẻ cũng góp phần tạo miễn dịch cộng đồng giúp xã hội sớm trở về trạng thái bình thường mới.

a - Ảnh 1
Việc tiêm vaccine cho trẻ góp phần tạo miễn dịch cộng đồng giúp xã hội sớm trở về trạng thái bình thường mới.

Tạo miễn dịch chống một bệnh truyền nhiễm sẽ không làm giảm khả năng đề kháng với bệnh truyền nhiễm khác, bởi việc tạo miễn dịch là kích thích một dòng các tế bào đặc biệt (gọi là tế bào B trí nhớ) đã có từ trước để nó sẵn sàng tạo ra kháng thể mỗi khi phát hiện loại kháng nguyên chuyên biệt của nó.

Vì việc kích thích dòng tế bào này không ảnh hưởng đến sự tồn tại của các tế bào B trí nhớ khác nên miễn dịch chống bệnh này không ảnh hưởng đến miễn dịch nói chung.

PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng 

Công nghệ mới không thể ảnh hưởng gen

Trước các tài liệu về vaccine Pfizer gây viêm cơ tim, nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng. Chưa kể, nguồn vaccine của Cuba được cho là vaccine sản xuất theo công nghệ truyền thống nhưng thông tin cũng không đầy đủ. Ông có thể nói rõ hơn về các loại vaccine này nhằm giúp phụ huynh có thêm thông tin?

+ Vaccine Pfizer tuy có làm tăng nguy cơ bị viêm cơ tim, chủ yếu ở trẻ trai nhưng phần lớn viêm cơ tim là nhẹ. Đương nhiên cũng cần phải theo dõi để đánh giá lâu dài nhưng theo đánh giá dựa trên cơ chế sinh bệnh của viêm cơ tim, có lẽ viêm cơ tim không để lại di chứng lâu dài.

Về các loại vaccine có thể tạm chia làm hai loại: (1) một loại là đưa vật liệu di truyền từ bên ngoài vào bao gồm vacicne mARN (như vaccine của Pfizer hay Moderna) hay vaccine vector (như vaccine của AZ hay Janssen) và cơ thể sẽ sử dụng vật liệu di truyền này để tạo ra kháng nguyên và (2) loại vaccine đưa trực tiếp protein là kháng nguyên từ bên ngoài vào trong cơ thể như vaccine Abdala (của Cuba), Sinopharm, Hyatt, Novavac. Vaccine Abdala (của Cuba) là vaccine sử dụng protein gai tái tổ hợp, được tổng hợp từ nấm pichia pastoris. Và vì loại vaccine đưa trực tiếp từ bên ngoài vào đã được sử dụng trong nhiều loại vaccine trước đây, như vaccine viêm gan B và không có liên quan đến ADN, ARN nên được nhiều người cho là an toàn hơn. Tuy nhiên, điều này không đúng. Tất cả vaccine được cấp phép đều an toàn. Nhưng cũng giống như có người dị ứng với hải sản mà không dị ứng với đậu phộng và ngược lại. Có một tỉ lệ nhất định (rất nhỏ) người bị phản vệ với một loại vaccine nào đó.

Có phụ huynh cho rằng: “Tiêm vaccine công nghệ mới, lỡ ảnh hưởng tới gen thì sao? Và lỡ như tiêm vaccine công nghệ mới này vào thì cơ thể chỉ sinh kháng thể với COVID-19 mà lại làm yếu đi sức đề kháng với các bệnh khác thì sao? Hoặc lỡ như cơ thể không tạo được kháng thể để chống lại các bệnh khác? Cứ để cơ thể trẻ tự tạo ra kháng thể tự nhiên, miễn dịch tự nhiên là an toàn nhất”. Mong ông lý giải để phụ huynh có cái nhìn rõ hơn về vaccine?

+ Như đã giải thích ở trên, một số vaccine COVID-19 sử dụng nguyên lý tạo kháng nguyên trong cơ thể mà không cần đưa kháng nguyên vào, chỉ cần đưa mARN hay ADN vào để cơ thể tạo ra kháng nguyên. Các vaccine sử dụng nguyên lý chế tạo có khả năng tạo ra miễn dịch mạnh và chi phí sản xuất thấp hơn. Tuy nhiên, điều này khiến một số người e ngại mARN hay ADN là vật liệu di truyền có thể ảnh hưởng đến hệ gen của người. Điều này là không thể bởi mARN và ADN ngoại lai chỉ ở bào tương và không đi vào nhân của tế bào nên không ảnh hưởng đến gen.

Việc để nhiễm tự nhiên đối với trẻ hiện nay cũng có thể chấp nhận được (bởi nguy cơ trẻ mắc bệnh nặng không nhiều) nhưng có một tỉ lệ nhất định trẻ bị bệnh nặng, có thể bị COVID-19 kéo dài, trẻ mắc bệnh có thể lây cho người nhà và nhiều trẻ nhiễm COVID-19 thì nguy cơ xuất hiện biến chủng mới có gia tăng. Vì vậy, nếu đã tiêm đầy đủ vaccine cho người lớn tuổi thì trẻ cũng nên được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Xin cám ơn ông.

Về thông tin tiêm vaccine về bị hít dính kim loại

Có phụ huynh thắc mắc: Một số người tiêm vaccine về bị hít dính kim loại vào người, có người còn bị điện giật. Không biết thành phần oxyd than chì (graphen oxide) có thực sự hiện diện trong vaccine không?

+ Trong tất cả vaccine hiện không hề có graphen oxide. Điều này là chắc chắn bởi với kỹ thuật phân tích hiện nay, những chất không tồn tại trong thành phần của vaccine đã được công bố không thể hiện diện (các anh chị xem thỉnh thoảng các lô hàng thực phẩm bị cấm nhập khẩu vì có kháng sinh hay hóa chất không cho phép). Những hiện tượng kỳ lạ không thể có liên quan đến vaccine do các vaccine đã được kiểm định rất cẩn thận trước khi sản xuất. Nếu thực sự có người bị hít dính kim loại sau khi tiêm vaccine không phải do ảo thuật, rất mong người đó tự tiết lộ với Sở Y tế TP.HCM để Sở Y tế có thể cử chuyên gia đến nghiên cứu.

Có trường hợp tiêm  mũi 2 đã được 45 ngày  nhưng cơ thể nhức, rêm, không nhấc tay chân lên được mỗi khi ngủ dậy, nóng khó chịu trong người... phải kiềm chế bản thân rất nhiều, không thì dễ bực bội trong người. Liệu đây có phải là tác dụng phụ của vaccine không, thưa ông?

+ Từng người có những lúc tình trạng sức khỏe thể chất hay tinh thần bị suy yếu do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy nếu có các bệnh lý này thì nên đi khám, không nên chủ quan cho là do vaccine mà không tìm căn nguyên để điều trị.

Trong quá trình thử nghiệm, người ta đã so sánh tỉ lệ các triệu chứng như cơ thể nhức, rêm người ở nhóm có tiêm và không tiêm và thấy rằng các triệu chứng này tương tự nhau. Vì vậy, có thể tin rằng triệu chứng này không liên quan đến vaccine.

Hiện các biến chứng rất hiếm như phản vệ (chỉ khoảng năm trường hợp cho mỗi 1 triệu liều tiêm) và viêm cơ tim (chỉ khoảng 10 trường hợp cho mỗi 1 triệu liều tiêm) nhưng vẫn phát hiện được nên có thể tin rằng các vaccine hiện đại chỉ có những biến chứng hay những tác dụng phụ đã biết và công bố.

 (theo PLO)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia giải tỏa thắc mắc về vaccine COVID-19 cho trẻ em tại chuyên mục Thuốc - Bác Sỹ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Thuốc - Bác Sỹ khác