Ngày 10/1, một nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết tầng ozone của Trái đất đang trên đà phục hồi và sẽ đóng lại hoàn toàn trong chưa đầy 4 thập niên tới nhờ thành công của loài người trong nỗ lực giải quyết vấn đề sử dụng các hóa chất độc hại.
Theo đài RT, hội đồng chuyên gia LHQ, bao gồm các nhà nghiên cứu từ một số tổ chức toàn cầu nổi tiếng, đã xác nhận rằng Nghị định thư Montreal năm 1987 - một thỏa thuận môi trường mang tính bước ngoặt nhằm điều chỉnh các chất ảnh hưởng xấu đến tầng ozone - đang đạt được hiệu quả như dự kiến.
Báo cáo mới nhất của nhóm chuyên gia cho thấy con người đã loại bỏ gần 99% các chất cấm gây hại cho tầng ozone. Và kết quả đem lại cực kỳ khả quan khi lá chắn ozone ở tầng bình lưu phía trên đang dần hồi phục, giúp giảm sự tiếp xúc của con người với tia cực tím.
Lá chắn ozone rất quan trọng đối với Trái đất vì nó hấp thụ phần lớn bức xạ Mặt trời. Theo báo cáo của nhóm chuyên gia, nếu nhân loại tiếp tục các chính sách hiện tại, lá chắn ozone sẽ được khôi phục về mức năm 1980 vào năm 2040.
Trong cùng khoảng thời gian này, sự phục hồi tầng ozone ở 2 khu vực Bắc Cực và Nam Cực, vốn có lớp lá chắn ozone mỏng nhất, dự kiến sẽ đạt ngưỡng lần lượt vào năm 2045 và 2066.
“Không nên xem thường những tác động có ích của Nghị định thư Montreal đối với việc giảm thiểu biến đổi khí hậu” - bà Meg Seki - thư ký điều hành Ban Thư ký Công ước Ozone quốc tế của Chương trình Môi trường LHQ - cho biết.
Theo bà Seki, Nghị định thư Montreal năm 1987 cũng có tác động tích cực tổng thể đến môi trường, giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu ước tính khoảng 0,5°C.
Lỗ thủng tầng ozone được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1985. Kể từ đó, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng mà vấn đề này có thể gây ra.
Một trong những tác động có hại chính là sự gia tăng mức độ tia cực tím, có nguy cơ gây ra bệnh ung thư da và đục thủy tinh thể thường xuyên hơn ở người cũng như có khả năng gây hại rất lớn cho thiên nhiên.
(theo PLO)